Thời điểm uống nước cũng tác động đến sức khỏe. Ảnh: Unsplash. |
Nước rất quan trọng trong cuộc sống. Thức uống đơn giản này cung cấp cho chúng ta lượng nước cần thiết đồng thời loại bỏ các độc tố không mong muốn.
Uống nước thường xuyên tác động đến tất cả chức năng của cơ thể và sức khỏe tổng thể. Ngay cả da, tóc cũng cần lượng nước phù hợp để giữ được độ bóng và sáng. Vậy đâu là thời điểm uống nước thích hợp nhất?
Uống nước trước bữa ăn
Một số người có thói quen uống nước ngay trước bữa trưa hoặc bữa tối do khát nước hoặc suy nghĩ khi làm vậy sẽ giúp sạch vòm miệng, hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng.
Uống quá nhiều nước gần bữa ăn có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa. Ảnh: Unsplash. |
Tiến sĩ Anju Sood, chuyên gia dinh dưỡng, giải thích: "Hệ thống dạ dày có tỷ lệ chất lỏng - rắn nhất định. Uống nước trước bữa ăn sẽ làm xáo trộn thành phần chất lỏng bằng cách pha loãng những gì đã ăn và đẩy nhanh quá trình tiêu hóa. Điều này dẫn đến việc thức ăn sẽ đi vào ruột già nhanh hơn bình thường".
Do đó, chuyên gia khuyên mọi người nên uống nước trước bữa ăn 20-30 phút thay vì ngay trước đó.
Uống nước trong bữa ăn
Việc uống nước trong lúc ăn khá phổ biến. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, mọi người nên tránh uống quá nhiều nước trong bữa ăn. Nước có thể pha loãng enzym cần thiết cho quá trình tiêu hóa.
Tiến sĩ Anju chia sẻ: "Một số người uống nước trong bữa ăn thường bị phình đại tràng".
Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi họ uống quá nhiều. Việc uống ít nước trong lúc ăn không có hại.
Đồ uống có ga có thể làm nặng thêm tình trạng đầy hơi và khó tiêu. Do đó, nếu uống nước trong bữa ăn, mọi người nên uống nước lọc hoặc nước kèm một ít chanh, bạc hà/gừng ở nhiệt độ phòng để có lợi hơn cho sức khỏe.
Uống nước sau bữa ăn
Các chuyên gia cũng khuyên không nên uống nước ngay sau bữa ăn vì nó có thể làm cản trở quá trình tiêu hóa đang diễn ra.
Điều này có thể ảnh hưởng đến mức insulin vì glucose từ thức ăn không tiêu hóa được sẽ chuyển thành chất béo, tác động đến lượng đường trong máu.
Chuyên gia dinh dưỡng Shilpa Arora cho hay: "Cơ thể sản xuất các enzym, dịch vị, tuyến tụy và các chất hóa học khác để tiêu hóa thức ăn. Uống nước gần bữa ăn sẽ làm loãng các enzym và dịch vị tiêu hóa này, dẫn đến khó tiêu hay hấp thụ các chất dinh dưỡng không đúng cách".
Bạn nên nhấp một hoặc hai ngụm nước ấm vào thời điểm gần bữa ăn. Ảnh: Unsplash. |
Đừng uống cả cốc nước, thay vào đó, bạn chỉ nhấp một hoặc hai ngụm. Ở một số nơi, người dân có thói quen uống nước ấm sau bữa ăn. Uống nước ấm và không uống quá nhiều có thể tốt cho đường ruột.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.