Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nên xem môn Lịch sử quan trọng như tiếng Anh’

"Bộ GD&ĐT cần đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc, có thể thay thế cho ngoại ngữ", độc giả Cao Thanh Phong chia sẻ.

Môn Lịch sử quan trọng không kém tiếng Anh

Dự kiến tích hợp Lịch sử với Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới Công dân với Tổ quốc của Bộ GD&ĐT đang được dư luận quan tâm, tranh luận.

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, Bộ không bỏ, cũng không coi nhẹ môn Lịch sử khi xây dựng môn học mới. Nhưng nhiều chuyên gia, giáo viên cho rằng, việc tích hợp không chỉ làm mất đi vị thế của môn Lịch sử, mà còn tiến tới xóa sổ môn học này.

'Lịch sử phải là môn bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia'

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy môn Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ bài viết về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT.

 “Từ bậc tiểu học, Toán, Văn, Anh văn đã được xem là môn chính. Vì sao ngoại ngữ là môn bắt buộc mà Lịch sử quan trọng như vậy lại có thể bỏ”, bạn Thu Hằng góp ý.

Bạn đọc này chia sẻ thêm, trong thời buổi hội nhập, học sinh có nhu cầu học ngoại ngữ là tất nhiên. Điểm khác nhau là các em nên tập trung học vào thời điểm nào cho phù hợp. Còn lịch sử liên quan đến ý thức hệ. Giới trẻ sống trong thời bình nhiều năm nên phần lớn đều có suy nghĩ xem nhẹ lịch sử.

Đồng quan điểm, bạn Cao Thanh Phong cho rằng: “Bộ GD&ĐT cần đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc, có thể thay thế cho ngoại ngữ. Những em muốn học ngành nghề liên quan ngoại ngữ sẽ tự chọn lựa”.

Bạn Nguyễn Trung phân tích, Lịch sử là môn riêng biệt nhưng đa số bạn trẻ không nhớ, không biết đến những trang sử vàng của dân tộc. Việc gộp lại có thể thế hệ sau không biết Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... là ai, gắn với sự kiện lịch sử nào, chỉ nhớ đó là tên đường.

Vì thế, Bộ GD&ĐT không nên quyết định ngay mà phải lấy ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học. Tích hợp theo đúng nghĩa không phải dễ, huống hồ cách Bộ lý giải đang ở mức gộp các môn thành môn mới.

Đổi mới cách tiếp cận

"Số đông không thích học môn Lịch sử vì sách sử viết chưa đầy đủ, chính xác, người dạy chưa hay, kém hấp dẫn. Tại sao học sinh có quyền chọn môn học, môn thi nhưng không được chọn cách thi để không rơi vào tình trạng quá tải?", bạn Tân Nguyễn nêu câu hỏi. 

Phản hồi về tòa soạn, nhiều người cho rằng, thực tế học sinh không ghét môn Lịch sử, chỉ vì sách giáo khoa thường rất ngắn gọn, không hấp dẫn. Ví dụ những trận đánh thường chỉ nêu chung chung như quân ta do tướng nào lãnh đạo, ý nghĩa lịch sử.

“Tôi từng đặt câu hỏi chúng ta đánh thắng họ như thế nào, dùng mưu kế gì? Diễn biến cần chi tiết để người đời sau theo dõi có thể hình dung được. Hiện lịch sử đề cập một triều đại chỉ nói đến vài vị vua, không viết gì nhiều về những người đó hay hoàng hậu, con vua...”, bạn Ngọc Tân nói.

Bạn đọc góp ý Bộ GD&ĐT nên đổi mới cách giảng dạy môn Lịch sử, gợi mở cho học sinh những cách khác nhau để tiếp cận lịch sử hiệu quả. Các em cần hiểu để ghi nhớ lịch sử chứ không phải học thuộc lòng.

Theo bạn Thủy Phạm, Bộ GD&ĐT nên cải cách giảng dạy và học môn Lịch sử, không nên tích hợp môn học này. Lịch sử có tầm quan trọng ngang Toán, Văn, Lý, Hóa, nên được giữ lại, nhưng thay đổi ở chương trình học để nhẹ nhàng và phương pháp giảng dạy phù hợp hơn.

GS Phan Huy Lê: Đấu tranh đến cùng để giữ lại môn Lịch sử

Nếu mới mà hay thì chúng ta hoan nghênh nhưng rất tiếc đây là cái mới nhưng rất tùy tiện, không dựa trên một nền tảng khoa học nào cả nên chúng ta phải góp ý đến cùng với Bộ GD&ĐT.

Thất vọng với ý tưởng bỏ môn Lịch sử

“Bộ GD&ĐT luôn lập luận không bỏ môn Lịch sử nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói và chúng tôi rất nghi ngờ”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

 

Nhật My (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm