Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Ngân hàng máu sống’ ở bệnh viện Long Khánh

Từ “ngân hàng máu sống di động” của những thầy thuốc này, hàng trăm bệnh nhân nguy kịch đã được cứu sống.

Giữa khuya, BV Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận bệnh nhân nam NVC (32 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) bị tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch, gan bị vỡ, mất nhiều máu, toàn thân tím tái. Một cuộc hội chẩn khẩn cấp được thành lập, các bác sĩ quyết định phẫu thuật khâu lại gan cho bệnh nhân, vì nếu chuyển lên tuyến trên sẽ không đủ thời gian cứu sống.

Bác sĩ phẫu thuật chính cũng hiến máu

Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn bốn tiếng và cần truyền 10 đơn vị máu (250 ml/đơn vị). Lúc đó số máu lưu trữ tại BV chỉ còn bốn đơn vị. Bệnh nhân được xét nghiệm nhóm máu. Ngay sau đó, BS Nguyễn Văn Phong (khoa Ngoại), người có cùng nhóm máu với bệnh nhân, cũng là phẫu thuật viên chính ca mổ cho bệnh nhân C., hiến một đơn vị máu. Người có cùng nhóm máu thứ hai là điều dưỡng Nguyễn Thị Thái Hằng (khoa Xét nghiệm), lúc ấy đang ngủ ở nhà, cách BV hơn 15 km. Nhận được điện thoại từ BV, điều dưỡng Thái Hằng kêu người nhà chở ngay tới BV. Và thêm một vài bác sĩ, điều dưỡng khác, những bịch máu tình nguyện này đã kịp thời cứu sống bệnh nhân C.

Đó là chuyện thường ngày ở BV đa khoa khu vực Long Khánh. Mới đây, sản phụ HTDP (28 tuổi, ở thị xã Long Khánh) phải cắt bỏ tử cung, mất 2,5 lít máu và cần truyền 12 đơn vị máu. Lập tức điều dưỡng Nguyễn Thị Chanh (khoa Chẩn đoán hình ảnh), BS Nguyễn Hữu Phước (khoa Vật lý trị liệu), điều dưỡng Nguyễn Thúy Sang (khoa Sản) và nhiều nhân viên y tế khác đã hiến máu kịp thời cứu sống sản phụ P. Đồng thời, cháu bé con của sản phụ P. nặng 3,2 kg cũng đã chào đời khỏe mạnh trong niềm vui của nhiều người.

“Là một BV nằm trong khu vực đông dân cư, có nhiều giao lộ, BV Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu máu để cấp cứu cho bệnh nhân. Trước thực tế trên, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng… của BV đã tự nguyện lập “ngân hàng máu sống di động”. Từ nguồn máu hiến tại chỗ này, hàng trăm bệnh nhân được cứu sống” - BS Sử Sơn, Giám đốc BV đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết.

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thức, người đã hơn 50 lần hiến máu cứu người. Ảnh: Trần Ngọc.
Điều dưỡng Phạm Thị Dân đang hiến máu cứu một bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Chị đã có hơn 30 lần hiến máu. Ảnh: Trần Ngọc.

Vị bác sĩ hơn 50 lần hiến máu

Hầu hết cán bộ, công nhân viên BV đa khoa khu vực Long Khánh ai cũng có vài ba lần hiến máu cứu người. Nhưng cho máu nhiều nhất có lẽ là thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thức (52 tuổi, Trưởng khoa Xét nghiệm), người đã hơn 50 lần hiến máu trong suốt hơn 20 năm công tác tại BV. “Lần hiến máu đầu tiên của tôi là vào năm 1994. Một sản phụ bị băng huyết mất nhiều máu. Bác sĩ điều trị cho biết bệnh nhân cần 12 đơn vị máu. Hôm đó nhiều bác sĩ và điều dưỡng cùng cho máu, trong đó có tôi. Sau khi được truyền máu, sản phụ đã qua cơn nguy kịch” - thạc sĩ Thức nhớ lại.

Là người có nhóm máu O có thể cho nhiều người thuộc các nhóm máu khác, từ đó mỗi khi BV cần là BS Thức sẵn sàng, bất kể thời gian đêm hôm. “Máu quý một, cuộc sống bệnh nhân quý 10. Không riêng tôi, nhiều nhân viên y tế của BV cũng quý người bệnh như chính bản thân mình nên luôn nghĩ hiến máu cứu người là điều nên làm” - BS Thức nói.

Điều dưỡng Phạm Thị Dân (51 tuổi, khoa Khám bệnh) cũng là một trong những người cho máu nhiều nhất BV với hơn 30 lần. Chị Dân kể lần đầu hiến máu là vào năm 1998. Một người đàn ông chở củi bằng xe máy, có lẽ do chở quá nặng chiếc xe máy gãy cổ hất nạn nhân xuống đường. Nạn nhân bị một cây củi đâm thủng bụng, máu ra nhiều suốt đoạn đường đưa tới BV. Hôm đó, chị Dân cùng sáu bác sĩ, điều dưỡng cùng người nhà nạn nhân kịp thời cho 12 đơn vị máu và đã cứu sống nạn nhân.

“Theo quy định, người hiến máu được bồi dưỡng vài hộp sữa, ít tiền. Thế nhưng nhiều nhân viên y tế đã nhường phần bồi dưỡng cho bệnh nhân vì phần lớn họ quá nghèo” - chị Dân nói - “Trước tính mạng nguy kịch của bệnh nhân, tôi nghĩ không ai đành ngoảnh mặt làm ngơ. Hiến máu cứu người là việc cần làm, không nên đắn đo. Giọt máu cho đi còn tình người luôn ở lại”.

Tri ân người hiến máu

Nguồn máu lưu trữ tại BV luôn gặp khó khăn, nhất là thời điểm từ sau tết Dương lịch kéo dài đến tết Nguyên đán. Trước thực tế đó, từ năm 1998 BV Đa khoa khu vực Long Khánh đã thành lập mô hình “ngân hàng máu sống di động”. Các thành viên nòng cốt là cán bộ, công nhân viên BV. Mỗi thành viên đều được phân loại theo nhóm máu, khi cần sử dụng nhóm máu nào thì BV sẽ liên hệ thành viên cùng nhóm máu đó. Mặc dù không thống kê nhưng đến nay hàng trăm bệnh nhân đã được cứu sống nhờ ngân hàng máu sống này. Hằng năm BV đều tổ chức họp mặt và tri ân những người tham gia hiến máu, có cả bệnh nhân và gia đình họ tham dự.

Trong những dịp ấy, không khí thật đầm ấm, đông vui.

BS SỬ SƠN, Giám đốc BV Đa khoa khu vực

Long Khánh (Đồng Nai)

Vừa điều trị cho nạn nhân, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của BV Đa khoa khu vực Long Khánh còn hiến máu để cứu chính nạn nhân đang được điều trị. Việc làm này nâng tính nhân văn lên gấp đôi. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đánh giá cao mô hình “ngân hàng máu sống di động” của BV Long Khánh. Hiện mô hình này được nhân rộng tại nhiều BV trong tỉnh Đồng Nai và hoạt động rất thiết thực, hiệu quả.

BS HUỲNH MINH HOÀN, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai

http://plo.vn/suc-khoe/ngan-hang-mau-song-o-bv-long-khanh-522847.html

Theo Trần Ngọc/Báo Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm