Ngày cúng ông Công, ông Táo truyền thống là ngày nào?
Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch là ngày ông Công, ông Táo cưỡi cá chép chầu trời, báo cáo mọi việc trong năm qua của gia chủ. Do đó, đây cũng là ngày các gia đình Việt dọn dẹp sạch sẽ gian bếp và chuẩn bị mâm cúng, cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Cả nhà sẽ quây quần bên nhau cùng làm những món ăn truyền thống của ngày Tết như gà trống luộc, xôi gấc hoặc xôi đậu, bánh chưng, chân giò, nem rán…, cầu mong một năm mới thuận buồm xuôi gió, gia đình yên ấm, hạnh phúc bên nhau. |
Đâu là món bánh truyền thống có hình vuông, được các gia đình chuẩn bị trong dịp Tết?
Bánh chưng là loại bánh đặc trưng của mùa Tết truyến thống Việt Nam. Phần thịt mỡ và đỗ xanh được gói cẩn thận trong lớp vỏ nếp được tuyển chọn kỹ càng. Sau đó, bánh sẽ được gói bằng lá dong đã lau sạch và bỏ vào nồi nấu đến khi chín thơm. Gói bánh chưng cũng là hoạt động tăng cường gắn kết và tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mỗi dịp Tết. Sau một năm bận bịu xa nhà, cận Tết là dịp cả gia đình cùng tụ họp với nhau, hỏi han tình hình sức khỏe, học hành, công việc, thể hiện sự gắn kết và sẻ chia kỳ diệu của tình cảm gia đình. Ngoài bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh in, kẹo đậu phộng, mứt quả… cũng là những món thường thấy trong ngày Tết của người Việt. |
Màu sắc nào thường được ví là màu chủ đạo trong những ngày Tết truyền thống Việt?
Trong muôn vàn màu sắc rực rỡ mùa Tết, đỏ và vàng là hai màu sắc thường xuyên xuất hiện và cũng là hai gam màu “chủ đạo” trong mỗi dịp xuân về. Màu đỏ đại diện cho những điều may mắn và cuộc sống viên mãn, hạnh phúc dài lâu. Trong khi đó, màu vàng lại là biểu trưng cho sự trường thọ, giàu sang, phấn khởi và niềm hy vọng vào những khởi đầu mới. Sự kết hợp và hòa quyện của hai gam màu đỏ - càng mang lại cho Tết Việt một sắc thái vui tươi, tưng bừng. Trong những ngày đầu năm, người Việt dễ dàng bắt gặp sắc đỏ hay vàng qua cây mai nở rộ trước sân, bao lì xì đỏ thắm hay lon nước ngọt Coca-Cola đỏ với biểu tượng én vàng quen thuộc. |
Món ăn nào thường được chuẩn bị trong những ngày Tết truyền thống ở miền Nam?
Thịt kho hột vịt là món ăn đặc trưng của Tết Việt, đặc biệt ở miền Nam nước ta. Truyền thống ăn thịt kho hột vịt bắt đầu từ rất lâu, khi người Việt xưa không họp chợ trong những ngày Tết. Do đó, người ta phải trữ sẵn món ăn có thể bảo quản lâu dài trong điều kiện không có tủ lạnh để đủ thực phẩm trong những ngày vắng chợ. Thịt kho hột vịt không những là món ngon mà còn có thể giữ được trong 5-7 ngày. Do đó, món ăn này được người Việt ưu tiên nấu trong những ngày Tết. Dần dần, món thịt kho cũng trở thành món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán của người Việt. |
Đâu là một phong tục truyền thống đẹp của người Việt dịp năm mới?
Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng những ngày đầu năm. Đây là dịp con cháu đến chúc thọ, chúc sức khỏe ông bà, họ hàng hoặc bố mẹ, cầu cho người lớn luôn khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc ở tuổi mới. Sau đó, người lớn sẽ mừng tuổi con cháu bằng những phong bao lì xì đỏ thắm. Lì xì đầu năm mang ý nghĩa cầu cho người nhận có được may mắn, thuận lợi và thành công trong năm mới. Lì xì không chú trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng là tấm lòng và ý nghĩa đằng sau. |
Đâu là hoạt động thường thấy trong Mùng 1 Tết?
Trong ngày đầu tiên của năm mới, nhiều người Việt lựa chọn đi chùa để cầu vận may cho cả năm. Đây là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của người Việt. Lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu cho một năm mới suôn sẻ, phúc lộc, gia đạo an yên mà còn là hành động bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với đức Phật, tổ tiên. Trong những ngày sau của năm mới, người Việt sẽ dành thời gian cho các hoạt động khác như xông đất, thăm hỏi gia quyến, tụ họp với bạn bè… |
Người Việt thường làm gì trong ngày cuối cùng của năm cũ?
Ngày 30 tháng Chạp, các gia đình tại Việt Nam thường chuẩn bị mâm cơm để mời thần linh, gia tiên về cùng gia đình ăn Tết. Đây cũng là bữa cơm đánh dấu kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều dự định, kế hoạch mới. Bữa cơm tất niên cũng là thời gian để các gia đình quây quần bên nhau, cùng thưởng thức tay nghề của mẹ, kể về những thành tựu trong năm qua và cảm nhận sự ấm áp, yêu thương, gắn kết, sẻ chia khi trở về bên vòng tay gia đình. |
Bình luận