Trở lại trong mùa 5, “Ngày hội sắc màu” đã nhận được 200.000 bài dự thi, xác lập kỷ lục Việt Nam về cuộc thi vẽ tranh có nhiều bài tham gia nhất.
John Caldwell Holt - nhà giáo dục người Mỹ - từng nhận định: “Lợi ích của việc trẻ ngồi vẽ một giờ hơn hẳn việc ngồi xem chương trình giải trí trong vòng 9 giờ”. Nhiều ý kiến tán đồng điều này, khi xem xét từ thực tế: Vẽ tranh giúp trẻ kết hợp linh hoạt não trái và não phải, từ đó dễ dàng quan sát thế giới qua góc nhìn riêng.
Thông qua việc tương tác với màu sắc, những trải nghiệm non nớt đầu tiên trong đời được trẻ lồng ghép vào mỗi bức tranh. Thế giới cảm xúc, nội tâm phong phú của trẻ từ đó cũng được phác họa chân thực và rõ nét.
Mỗi đứa trẻ đều nhìn thế giới với đôi mắt đầy háo hức và nhanh chóng ghi nhận, học hỏi. Thông qua những hình ảnh được tiếp nhận vào trí óc, trẻ hình thành khao khát được bày tỏ, chia sẻ. Tuy nhiên, ngôn ngữ hạn chế khiến trẻ đôi khi không thể diễn đạt điều mình muốn. Lúc này, trẻ sẽ tìm đến vẽ tranh.
Mỗi bức tranh dù vẽ bằng đường nét nguệch ngoạc, hình thù hài hước, hay phối màu chưa thật chỉn chu, nhưng đều là những cảm xúc thật phản chiếu qua lăng kính trẻ thơ trong sáng, hồn nhiên.
Thực tế, vẽ tranh không chỉ giúp trẻ thể hiện suy nghĩ cá nhân, phát triển trí tưởng tượng và nuôi dưỡng tâm hồn mà còn tác động đến trí thông minh.
Theo NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD - màu sắc là một phần của ngôn ngữ và văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tiềm năng học tập, phát triển trí thông minh của con người, nhất là ở trẻ nhỏ.
Cụ thể, theo nghiên cứu do Tập đoàn Thiên Long phối hợp NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh thực hiện, màu sắc tác động đến tâm sinh lý, sức khỏe, cảm xúc, nhận thức, học tập và hành vi của một cá nhân, đặc biệt ở nhóm tuổi mầm non. Ở lứa tuổi này, trẻ đã bắt đầu đi học nhưng chưa có khả năng sử dụng kỹ năng đọc và viết nên màu sắc trở thành công cụ học tập cần thiết, đưa trẻ đến gần hơn với tri thức.
Đơn cử, trong toán học, nhận dạng màu được sử dụng để hướng dẫn trẻ phân loại, sắp xếp, so sánh. Việc học cách xác định và sử dụng màu sắc như một công cụ ngôn ngữ để mô tả sự vật giúp trẻ phát triển, củng cố khả năng giao tiếp.
Không chỉ vậy, màu sắc thích hợp cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, sự chú ý và hành vi của trẻ trong quá trình học tập. Đây là kết quả từ nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Anna Franklin - thuộc phòng thí nghiệm Surrey Baby (Anh) - tiến hành ở 250 trẻ với việc dùng một số kỹ thuật khảo sát cũng như thiết bị camera chuyên dụng.
Theo đó, mỗi màu sắc có một bước sóng, ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ của trẻ theo cách khác nhau. Nếu màu xanh dương khuyến khích trẻ hoạt động trí tuệ, lý trí và suy nghĩ logic, tiếp thu bài học nhanh, thì xanh lá cây kích thích các dây thần kinh, phát triển kỹ năng tư duy và thúc đẩy khát khao tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Trong khi đó, màu đỏ tác động mạnh đến các giác quan, giúp trẻ ghi nhớ dễ dàng hơn, còn màu vàng mang đến cảm giác ấm áp, làm tăng sự thích thú và khả năng hoạt động trí óc…
Từ nghiên cứu đúc kết được về ảnh hưởng của màu sắc đến trí thông minh ở trẻ, nhãn hàng dụng cụ mỹ thuật Colokit thuộc Tập đoàn Thiên Long tiếp tục triển khai “Ngày hội sắc màu”, mang đến nhiều giá trị tinh thần và trí tuệ cho các em nhỏ.
Được phát động từ tháng 9 bởi Hội đồng đội Trung ương và nhãn hàng Colokit, cuộc thi vẽ tranh “Ngày hội sắc màu 2022” với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam - Mừng đại hội Đoàn” đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình từ học sinh khắp 3 miền đất nước.
Thành công này không chỉ đến từ tình yêu hội họa được bồi đắp trong suốt 5 mùa diễn ra cuộc thi mà còn ở chủ đề đa dạng, ý nghĩa, truyền cảm hứng sáng tạo và cơ hội khẳng định bản thân cho mỗi em nhỏ. Đó là các chủ đề hấp dẫn như “Vườn trường mơ ước của em”, “Vì một Việt Nam xanh” và “Bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch Covid-19”.
Trở lại trong mùa 5, cuộc thi mang đến hàng trăm nghìn câu chuyện ấn tượng, phản ánh góc nhìn mới mẻ về chủ đề Đoàn đội.
Hình ảnh Đoàn viên thanh niên không ngại khó hỗ trợ vùng thiên tai, cùng đồng bào gia cố nhà cửa, trồng cây hay cần mẫn bên con chữ cùng các em nhỏ vùng cao… đã hiện lên chân thực mà gần gũi qua lăng kính và sắc màu trẻ thơ.
Không theo bất kỳ kịch bản chung hay quy chuẩn nào về việc phối màu sắc, xây dựng bố cục, những bức tranh được vẽ bởi các em nhỏ ở lứa tuổi nhi đồng, thanh thiếu niên vẫn mang đến ấn tượng đặc biệt về thị giác và cảm xúc. Trong mỗi bức tranh ấy, Đoàn viên không chỉ là hình tượng xa xôi có trên báo chí, truyền hình mà còn là mục tiêu mỗi học sinh luôn hướng tới, thể hiện khát vọng được đóng góp cho quê hương, đất nước.
Trong hàng trăm nghìn bài dự thi được gửi về cuộc thi, không thể bỏ qua tác phẩm Tuổi trẻ và khát vọng của em Bùi Thị Thúy Xoan - học sinh lớp 9A, THCS Lý Tự Trọng, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Bức tranh với sắc màu rực rỡ thể hiện tinh thần lạc quan, hy vọng, phản ánh đa dạng góc nhìn về những người Đoàn viên mang trong mình khát vọng, bản lĩnh, sáng tạo, tinh thần tiên phong và đoàn kết, sẵn sàng chung tay hỗ trợ cộng đồng cùng nụ cười luôn nở trên môi. Trong bức tranh, mỗi mảnh ghép tượng trưng cho sức mạnh của một Đoàn viên, thanh niên với sự tử tế, nhiệt huyết và tình yêu thương. Các mảnh ghép kết hợp lại tạo thành một tổ chức Đoàn vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Với thông điệp ý nghĩa, cách trình bày ấn tượng, tác phẩm Tuổi trẻ và khát vọng đã được trao giải đặc biệt của cuộc thi. Bày tỏ suy nghĩ về tác phẩm dự thi, em Bùi Thị Thúy Xoan cho biết: “Bức tranh của em là một mảnh ghép trọn vẹn của rất nhiều mảnh ghép mà em đã quan sát được. Thông qua những mảnh ghép đó, em mong thiếu nhi Việt Nam sẽ nhìn thấy sức mạnh của mình. Từ những hoạt động thiết thực như áo ấm tình bạn, phao bơi cho em, hiến máu tình nguyện… mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ tạo nên nhiều việc tốt, có ích cho xã hội”.
Không chỉ Thúy Xoan, 43 học sinh khác cũng nhận được giải cá nhân cho những tác phẩm tranh vẽ xuất sắc, gồm: 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 30 giải khuyến khích chia đều cho 2 khối tiểu học và trung học cơ sở.
Ban tổ chức cũng lựa chọn 120 bức tranh đoạt giải chung cuộc và một số bức tranh đẹp đoạt giải tuần của cuộc thi để xuất bản sách làm quà tặng cho các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Bên cạnh khuyến khích vẽ tranh, “Ngày hội sắc màu 2022” còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi với sắc màu tại các điểm trường ở 3 miền đất nước và mang đến những trải nghiệm mới mẻ cùng màu sắc cho thiếu nhi Việt Nam.
Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Tập đoàn Thiên Long - cho biết trong lần thứ 5 tổ chức, “Ngày hội sắc màu 2022” phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu khi quy tụ số lượng bài thi lớn từ khắp cả nước và chất lượng tranh dự thi ấn tượng.
“Sức hút chương trình được khẳng định khi ghi nhận số lượng bài dự thi đến 200.000 bài, xác lập kỷ lục. Với sự hưởng ứng đông đảo của thiếu nhi Việt Nam, ‘Ngày hội sắc màu 2022’ đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp ‘màu sắc giúp trẻ em thông minh hơn’, ông Trịnh Văn Hào nói thêm.
Là một trong những hoạt động thường niên được chờ đợi nhất hàng năm và là sân chơi bổ ích cho thiếu nhi Việt Nam, góp phần ươm mầm các tài năng hội họa nhí, “Ngày hội sắc màu” năm sau lại thành công hơn năm trước, cả về quy mô và số lượng học sinh tham gia. Năm nay, sự kiện thu về gần 200.000 tranh vẽ đến từ học sinh 63 tỉnh, thành cả nước, chính thức xác lập kỷ lục Việt Nam về cuộc thi có nhiều bài dự thi nhất.
Ngày 28/11, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao bằng xác lập kỷ lục: “Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề ‘Thiếu nhi Việt Nam - Mừng đại hội Đoàn’ được tổ chức trực tuyến với gần 200.000 bài dự thi của thiếu nhi 63 tỉnh, thành phố” đến Hội đồng đội Trung ương và Công ty CP Tập đoàn Thiên Long.
Cùng ngày, VietKings cũng trao bằng xác lập kỷ lục "Mô hình bút sáp màu lớn nhất Việt Nam" cho nhãn hàng dụng cụ mỹ thuật Colokit thuộc Tập đoàn Thiên Long. Kỷ lục trên được thực hiện vào ngày 4/9 tại sự kiện “Ngày hội sắc màu - Mega Color Event” tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP.HCM. Sự kiện thu hút 60.000 người tham dự với những không gian sắc màu ấn tượng.
Bà Tori - chuyên gia giáo dục mầm non Nhật Bản - từng nhấn mạnh vẽ là loại hình thể hiện cảm xúc của trẻ trong cuốn "Dạy trẻ làm với môn vẽ". Không nên đánh giá tranh của trẻ dựa trên tiêu chí "vẽ đẹp hay không", "vẽ có giống hay không" mà nên cảm thụ những gì các em muốn thể hiện trong tranh bằng sự quan tâm và tôn trọng. Sau cùng, đây cũng là thông điệp ý nghĩa mà Tập đoàn Thiên Long muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh trên hành trình cùng con khôn lớn: Hãy là người đồng hành, hỗ trợ, để mỗi đứa trẻ trở thành họa sĩ tự vẽ nên ước mơ và cuộc đời mình.