Giáo viên kiêm "phượt thủ"
Theo chân các cô giáo, chúng tôi vượt 70 cây số từ thành phố Sơn La lên đến điểm trường xã Chiềng Muôn. Mọi người như bấm chân xuống mặt đường khi đi qua những đoạn đèo dốc mấp mé miệng vực, mặt đường nhão như cháo, chốc lại có đoạn đất sạt xuống che kín lòng đường.
Cảnh tượng này làm tôi liên tưởng đến những "phượt thủ" Hà Nội thường phóng xe lên vùng cao với niềm háo hức khám phá núi rừng. Điểm khác biệt là các giáo viên ở đây phải cần mẫn với chuyến phượt 2 lần mỗi tuần trong suốt năm học. Để làm được như vậy, động lực của họ không chỉ đơn thuần là đam mê với núi rừng.
Đường đến trường của các thầy cô giáo trường nội trú Chiềng Muôn. |
Điểm trường Chiềng Muôn thuộc xã vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn). Mật độ dân số chỉ khoảng 12 người/km2, chủ yếu là đồng bào dân tộc Hmong và Laha. Mùa đông ở đây lạnh cắt da, quanh năm mây mù bao phủ. Không có nước sạch, thầy cô và học sinh phải dùng nước suối để nấu ăn, tắm giặt. Mùa lũ đến, nước suối đục ngầu.
Để gieo chữ trên vùng cao Tây Bắc, những gian nan vất vả của các thầy cô giáo không thể kể hết bằng lời. Giáo viên thường được ví von là nghề "bán cháo phổi", nhưng với những người vùng cao, họ phải bán quá nhiều thứ - từ nước mắt, mồ hôi, tâm sức, đôi khi là cả máu của chính mình.
Lễ khai giảng không có hoa tươi
Năm học mới nào cũng vậy, các thầy cô từ thành phố Sơn La phải lên điểm trường trước 1, 2 ngày để chuẩn bị khai giảng. Hành trang mỗi người mang theo ngoài vật dụng cá nhân, là hàng chục kg sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Học sinh không phải chuẩn bị nhiều, các em chỉ cần có mặt đầy đủ trong ngày khai giảng là chúng tôi mừng lắm rồi.
Học sinh Chiềng Muôn tập trung trước sân trường. Ảnh: Ngọc Tân. |
Qua buổi trưa, mưa vẫn không dứt. Các thầy cô lại đội mưa vào bản gọi các em đến trường. "Giáo viên vùng 3 như chúng tôi, việc bỏ thêm tiền túi mua bút vở, bánh kẹo dụ học sinh tới lớp là chuyện bình thường" - một cô giáo chia sẻ.
Từ điểm trường tới bản xa nhất của xã Chiềng Muôn phải vượt 10 cây số đường đồi. Với những bản ở trên đỉnh núi, các thầy cô thường bỏ xe máy ở lại để leo bộ.
Lễ khai giảng ở Chiềng Muôn diễn ra trên một bãi đất trống ngay trước lớp học. Các thầy cô đã quen với việc không có hoa tươi chào năm học mới, không có quan chức cấp cao đến đánh trống khai giảng, cũng chẳng có diễn văn dài dòng. Họ phải cố gắng tạo ra không khí thoải mái nhất, bởi bất cứ khó khăn, bất tiện nào từ phía nhà trường cũng có thể trở thành lý do để các em bỏ học.
Ngay sau lễ khai giảng là buổi phân công công việc cho năm học mới. Thầy trò cùng nhau nuôi lợn, chăn gà, trồng rau... để nâng cao chất lượng cho những bữa ăn nội trú.