Kim Sael Byul là nhân viên dọn dẹp căn hộ của những người đã qua đời do bệnh tật, già yếu, tự tử, tội phạm. Hầu hết đều ra đi một mình vì không sống cùng người thân, theo The Korea Times.
Những cái chết cô độc như vậy được gọi chung là "godoksa" trong tiếng Hàn. "Họ ra đi trong lặng lẽ, không ai biết đến cho tới khi hàng xóm không chịu nổi mùi hôi thối", Kim nói.
Tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, nơi tỷ lệ người sống một mình ở mức cao, những hiện tượng tương tự godoksa trở nên phổ biến và công việc như của Kim không còn quá xa lạ.
Công việc vệ sinh nhà của người chết phổ biến ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Ám ảnh và đáng sợ
Kim Sael Byul điều hành một nhà tang lễ ở Seoul, nơi chuyên nhận thu dọn căn hộ cũng như di vật của người đã mất.
Sau nhiều năm làm nghề, Kim đã quá rành rọt quy trình công việc. Trước căn hộ người đã khuất, anh và các đồng nghiệp đứng cầu nguyện, sau đó bắt tay vào việc dọn dẹp.
Tất cả mặc đồ bảo hộ, di chuyển qua những cây nhang mà hàng xóm thắp trước cổng. Những nơi ám mùi tử khí được quét, lau chùi cẩn thận.
Nhân viên thu gom và phân loại đồ đạc giá trị, kỷ vật. Những thứ này được đóng thùng, chuyển về cho tang quyến sau đó.
Dù đã quen các thao tác, công việc, Kim thường vẫn bị cảm xúc chi phối. Đôi khi anh đứng ngẩn người trước di ảnh và tự hỏi chủ nhân căn hộ đã nghĩ gì hay cảm thấy như thế nào trước lúc ra đi.
Nhân viên dọn dẹp thu dọn đồ của người đã mất tại Hàn Quốc. Ảnh: Hani. |
"Có những cảnh rất ám ảnh, đáng sợ mà tôi không thể quên. Một số món đồ của người quá cố tôi vẫn đang giữ vì không có ai đến nhận lại", Kim kể.
Hơn 80% trường hợp Kim nhận xử lý là người cao tuổi hoặc trung niên. Nhưng đôi lúc vẫn có những người còn rất trẻ. Họ tự kết liễu đời mình vì những áp lực, gánh nặng trong cuộc sống.
"Câu chuyện của họ khiến tôi không ngừng suy nghĩ và thương tiếc. Đôi khi tôi ước mình biết đến họ sớm hơn và có thể thay đổi điều gì đó".
Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới cũng như tỷ lệ hộ gia đình một người ở mức cao.
Dữ liệu do Bộ phúc lợi Hàn Quốc công bố cho thấy số người chết cô độc đã tăng vọt từ 68 trường hợp năm 2011 lên 1.145 người vào năm 2019. Hơn 60% trong số này từ 45 đến 65 tuổi.
Thay đổi hậu đại dịch
Tại Nhật Bản, ước tính mỗi năm có khoảng 30.000 trường hợp chết một mình tại nhà, không được phát hiện trong vài ngày hoặc nhiều tuần.
Thuật ngữ "kodokushi", được sử dụng để chỉ cái chết cô độc, thậm chí ra đời trước godoksa của Hàn Quốc.
Dù truyền hình và báo chí đưa tin ngày càng nhiều, công chúng chưa tận mắt chứng kiến và thừa nhận sự cô lập xã hội là vấn đề nghiêm trọng. Kodokushi chỉ thực sự được quan tâm từ năm 2019.
Từ đây, dọn dẹp căn hộ của người đã qua đời cũng được công nhận là một nghề chính đáng tại xứ Phù Tang.
"Công việc của tôi thay đổi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dù nhu cầu dọn dẹp giảm xuống bởi thân nhân người đã khuất giờ đây có nhiều thời gian hơn để tự lo liệu, nhu cầu xoa dịu chấn thương liên quan đến kodokushi ngày càng gia tăng, đặc biệt là các trường hợp không rõ nguyên nhân tử vong", Kojima Miyu, chuyên dọn dẹp nơi ở của người đã khuất, cho biết.
Rahman Razali vệ sinh căn hộ của một người vừa qua đời ở Singapore. Ảnh: CNA. |
Tương tự, nghề thu dọn căn hộ người đã mất được người dân Singapore biết đến nhiều hơn kể từ sau đại dịch, theo CNA.
Bộ Y tế nước này cho biết có khoảng 88.000 người trên 60 tuổi ở Singapore sống một mình vào năm 2020. Tuy vậy, cơ quan này không thống kê số trường hợp chết cô độc tại nhà riêng.
Rahman Razali, người làm nghề vệ sinh căn hộ người mất từ năm 2015, nói rằng vẫn còn những định kiến xung quanh công việc của mình nhưng nhu cầu và sự chấp nhận cũng đang tăng lên.
"Một số người nghĩ rằng công việc này kinh khủng nhưng số khác cảm thấy được giúp đỡ. Các gia đình có người qua đời thường bị xáo trộn về mặt cảm xúc hoặc rất bận rộn sắp xếp hậu sự. Thật khó khăn cho người thân, bất cứ khi nào nhìn thấy vết máu họ lại nhớ về người đã mất", Rahman nói.