Với doanh nhân, thời gian là vàng. Khi ngồi trên xe, giây phút tĩnh lặng cũng là vàng. Bởi vậy, khi thiết kế và chế tạo xe, nhà sản xuất chủ động kiểm soát tiếng ồn thông qua thiết kế mô hình, lựa chọn vật liệu. Về lý thuyết, xe càng ít ồn càng thành công. Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại, con người mới thực sự là cỗ máy hoàn hảo trong việc tìm và diệt tiếng ồn trong quá trình phát triển xe. Đó cũng là lý do khiến nghề tìm tiếng ồn trên xe hình thành lâu nay.
Eckhardt Peithmann, Trưởng nhóm tìm và diệt tiếng ồn của Audi đang đặt microphone vào đầu người nộm để đo độ ồn. Ông có 20 năm làm việc ở Audi và được mô tả là người kỹ tính trầm lặng, căm thù tiếng cót két, kẽo kẹt, tiếng ma sát từ các kết cấu vật liệu gây ra. |
Dòng sedan cao cấp Audi, Mercedes, BMW khác biệt hoàn toàn so với hầu hết các đối thủ cùng hạng, nhất là tiêu chí về độ cách âm của xe. Thường thì nhà sản xuất có bộ phận chuyên tìm và dập tắt tiếng ồn trong quá trình phát triển xe. Nhóm chuyên gia “nghe” tiếng ồn này có nhiệm vụ săn lùng và dập tắt tiếng ồn từ quá trình thử nghiệm cho tới khi phát hiện và tận diệt hết mức có thể các tiếng ồn để đưa vào sản xuất.
Ví dụ ở Audi, một số người gọi trưởng bộ phận này đơn giản là “Cái Tai”. Công việc này đòi hỏi họ không chỉ có năng lực thẩm âm tốt hơn mức bình thường mà cần phải có tính kiên nhẫn. Có những tiếng ồn không thể nghe được ngay hay nó chỉ xuất hiện tắc bụp… nếu không qua vô số thử nghiệm, và một số không chỉ “nghe” mà còn phải “cảm” tiếng ồn phát ra từ bất cứ chi tiết nào của xe. Nhóm chuyên gia làm nghề này gồm các kỹ sư phát triển sản phẩm, chuyên gia kiểm soát chất lượng hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng. Nghề này không phải thứ mà bạn có thể học ở trường hay bất kỳ khóa học nào.
Các góc trên xe luôn bị săm soi để tìm ra vết tích tiếng ồn. |
Phát hiện và dập tắt tiếng ồn là nhiệm vụ được thực hiện ở quy mô lớn và mất thời gian. Phân tích tiếng ồn đối với một mẫu xe của Audi có khi kéo dài tới hàng năm. Đội tiếng ồn của Audi cứ 4-6 tuần lại tiến hành thử nghiệm một lần. Họ tiến hành thử nghiệm trong các môi trường ẩm ướt tại các đường thử nghiệm trên bán đảo Scandinavia cũng như những đường test khô ở Bắc Phi nóng nực. Phụ thuộc vào quy mô công việc, mỗi đợt thử nghiệm xe này thường kéo dài từ 6-12 ngày. Để phát hiện tiếng ồn, họ thường sử dụng đường ngoằn nghèo và sàn test rung, hoặc đặt xe trong buồng nhân tạo có thể điều chỉnh môi trường, kết hợp với các microphone đo đạc gắn trên đầu người nộm.
Các chuyên gia thậm chí còn bóc tách từng chi tiết riêng biệt để thẩm định tiếng ồn. |
Thời gian gần đây, các sản phẩm mới liên tục được tung ra, đồng nghĩa với công việc của các chuyên gia “thẩm âm” cũng vất vả hơn. Các chuyên gia tiếng ồn như của Audi phải cặm cũi mãi ở Bắc Cực vì nhiệt độ môi trường ở đây có khi xuống thấp tới âm 40 độ C rất tốt cho thử nghiệm. Trong điều kiện khí hậu này, nhựa sẽ giảm độ co giãn của chúng và hậu quả là gây ra hệ số ma sát khác nhau và sinh ra các vấn đề về tiếng ồn từ nguyên gốc.
Công việc của những chuyên gia tiếng ồn gần như không nghỉ, nhất là khi cuộc đua ra mắt xe mới giữa các hãng ngày một gia tăng. |
Những tiếng ồn ngoài mong đợi trên xe cũng xuất hiện từ nhiều nguồn và nhiều dạng thức khác nhau. Các bộ phận có thể di chuyển được như ghế, cửa, các mối gắn keo, ngăn đựng đồ bên phụ… là những chi tiết có xu hướng tạo ra các tiếng ồn. Tiếng cọ xát của vật liệu bằng da cũng làm các chuyên gia tiếng ồn khó chịu. Các tấm trải trần xe có thể cọ với khung vòm mái khi di duyển, các đầu mối dây điện có thể va đập với khung. Hoặc kính, nhựa trên cụm đồng hồ có thể cọ xát gây tiếng kêu cót két.
Audi TT được thử nghiệm tiếng ồn tại địa hình có các hố nước trên đường test. |
Chuyên gia tiếng ồn dù có áp dụng các công nghệ cao trong quá trình đánh giá nhưng họ vẫn thường sử dụng phương pháp thủ công. Họ nằm áp trên ca-pô của xe để nghe khi xe đi qua các con lăn, trong nhiệt độ đóng băng hoặc trong các điều kiện địa hình khác nhau. Hay lại ngồi ghế trước sau và ghé sát đầu xuống sàn xe để nghe tiếng ồn trong xe. Thường thì một số tiếng ồn có thể bị phát hiện dễ dàng nhưng có khi cũng phải sử dụng phương pháp loại trừ: Tháo dần các chi tiết bị nghi ngờ cho tới khi tiếng ồn biến mất.
Nhà sản xuất sẽ trông cậy từ các chuyên gia có thể tìm ra được nguồn của tiếng ồn để ngăn chặn “hậu họa” sau này. Dù có thể áp dụng phân tích mô hình trên máy tính trước để đánh giá tiếng ồn nhưng đánh giá cuối cùng vẫn phải là tai người, vì thế, đội tìm và bịt tiếng ồn của các hãng xe vẫn mãi có việc để làm.