Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ Thanh Tuấn được BV Chợ Rẫy cứu sống khi ngừng tim

Nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn nhập viện Chợ Rẫy khi đã rơi vào hôn mê và ngừng tim. Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, hội chẩn khẩn cấp và chẩn đoán sơ bộ là nhồi máu cơ tim cấp.

NSDN Thanh Tuấn khỏe mạnh trong ngày xuất viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BV.

Chiều 9/4, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ về ca cấp cứu thành công cho nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn, người bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp.

Điểm đặc biệt là bệnh viện đã khẩn cấp thiết lập hệ thống ECMO ngay tại phòng thông tim, kết hợp can thiệp mạch vành, giúp nghệ sĩ vượt qua cơn nguy kịch.

Tận dụng từng giây phút

Chiều 25/3, NSND Thanh Tuấn bất ngờ cảm thấy mệt ở tim và được gia đình nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), cho biết nghệ sĩ Thanh Tuấn xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở từ một ngày trước. Gia đình đã gọi cấp cứu và đưa ông đến bệnh viện trong vòng 15-20 phút.

Nghệ sĩ có tiền sử hẹp mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Khi vào khoa Cấp cứu, ông rơi vào hôn mê và ngừng tim. Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, hội chẩn khẩn cấp. Chẩn đoán sơ bộ là nhồi máu cơ tim cấp.

Lúc này, bệnh nhân đã bị thiếu oxy não sau ngừng tim, suy đa cơ quan và được chuyển thẳng lên khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim và phải dùng thuốc vận mạch. Các bác sĩ tiến hành điều trị hạ thân nhiệt để bảo vệ não và hội chẩn liên chuyên khoa để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

nhoi mau co tim anh 1

NSND Thanh Tuấn được điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu. Ảnh: BVCC.

“TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện, đã chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa nghệ sĩ Thanh Tuấn. Các biện pháp cấp cứu như nội thần kinh, hồi sức tích cực và điều trị rối loạn nhịp đã được triển khai ngay lập tức”, bác sĩ Linh thông tin.

Quyết định táo bạo và kịp thời được đưa ra: Thiết lập hệ thống ECMO cấp cứu kết hợp can thiệp mạch vành ngay tại phòng thông tim. Kết quả chụp mạch vành cho thấy các mạch máu của nghệ sĩ bị vôi hóa rất nặng, hẹp đến 90% động mạch LCx1.

Các bác sĩ đã tiến hành khoan cắt mảng vôi hóa bằng kỹ thuật Rotablator, nong bóng và đặt 3 stent cho bệnh nhân, đồng thời duy trì ECMO để bảo vệ não. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ trong tình trạng căng thẳng cao độ.

'Chiến thuật' khoan, cắt, đục chưa có tiền lệ

Bác sĩ chuyên khoa II Lý Ích Trung, Phó khoa Can thiệp Tim mạch, cho biết thông thường, nhồi máu cơ tim cấp sẽ can thiệp động mạch tắc. Tuy nhiên, ca này gặp khó do tình trạng vôi hóa nặng nên ê-kíp đổi chiến thuật.

“Việc đặt stent động mạch vành đã khó, mà trường hợp này gần như mảng sơ vữa đã bít hết, khó lại chồng khó. Chúng tôi phải làm thêm một kỹ thuật nữa là khoan cắt mảng sơ vữa để nong bóng và đặt stent. Đây là ca đầu tiên tôi phải can thiệp trong bệnh cảnh cấp cứu nhồi máu cơ tim, choáng tim", bác sĩ Trung nói.

Theo bác sĩ Trung, kỹ thuật khoan cắt mảng vôi hóa bằng Rotablator được Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai từ năm 2013. Hiện, bệnh viện là một trong những đơn vị có tỷ lệ thực hiện kỹ thuật này cao nhất khu vực phía Nam. Chi phí cho mỗi ca khoan cắt vôi hóa khoảng 48 triệu đồng và được BHYT chi trả toàn bộ.

Bác sĩ Trung cũng lưu ý rằng kỹ thuật này tiềm ẩn nguy cơ biến chứng do tốc độ mũi khoan rất cao, trung bình từ 160.000 đến 200.000 vòng/phút. Mũi khoan có kích thước nhỏ (khoảng 3 mm) di chuyển trong lòng mạch máu, có thể gây vỡ mạch máu. Do đó, người thực hiện kỹ thuật này phải có kinh nghiệm dày dặn, và đây là lý do kỹ thuật này chưa được triển khai rộng rãi ở nhiều đơn vị.

nhoi mau co tim anh 2

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (giữa) thăm hỏi và chúc mừng nghệ sĩ Thanh Tuấn. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Nhờ sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của đội ngũ y bác sĩ, hiện tại sức khỏe của nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn đã có những chuyển biến tích cực. Ông đã có thể tự ăn uống, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng tim cải thiện 40%, các cơ quan khác hồi phục gần như hoàn toàn và dự kiến có thể xuất viện trong tuần tới.

Tại buổi chia sẻ, nghệ sĩ Thanh Tuấn xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tập thể y bác sĩ và quý khán giả đã luôn đồng hành, cứu chữa ông qua cơn “thập tử nhất sinh”, giúp ông có thêm một lần tái sinh.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nhấn mạnh đây là trường hợp rất đặc biệt, một ca nhồi máu cơ tim cấp nguy kịch, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều kỹ thuật hiện đại.

“Đây là một trường hợp rất nặng. Nếu không chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời, bệnh nhân khó có cơ hội sống sót. Các bác sĩ đã dám nghĩ, dám làm. Việc hồi sức để bệnh nhân có thể vào được phòng mổ đã là một thành công lớn", bác sĩ Việt nói.

Trong khi đó, TS.BS Trương Phi Hùng, Phó khoa Nội tim mạch, cho hay ê-kíp đã cố gắng để cứu sống và bảo tồn chức năng não của bệnh nhân. Ông cho biết thêm, khi một ca bệnh nhồi máu cơ tim có biến chứng ngừng hô hấp tuần hoàn và choáng tim, tỷ lệ tử vong lên đến 80-90% nếu không được xử trí kịp thời. Nghệ sĩ Thanh Tuấn may mắn có cột hơi dài, giúp bác sĩ có đủ thời gian cấp cứu khi bị ngừng tim.

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy 2019-2024, trong gần 500 bệnh nhân ngừng tim ngoại viện, tỷ lệ sống sót xuất viện là 44,2%, và tỷ lệ bệnh nhân sống sót có chức năng tốt là 22,6%.

Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.

Thu hồi lô dầu gội dược liệu của công ty Sao Thái Dương

Lý do thu hồi được đưa ra là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Methylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm.

4 hành động không ngờ có thể tăng nguy cơ cảm cúm

Những thói quen phổ biến của người trẻ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cảm cúm.

Một bữa ăn nên kéo dài bao lâu?

Dân gian quan niệm "ăn chậm, no lâu", vậy một bữa ăn nên kéo dài bao lâu là tốt cho sức khoẻ?

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm