
Không giống như việc thanh toán theo giá niêm yết ở siêu thị, mặc cả là một phần tất yếu khi mua sắm tại nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Morocco, Peru, Trung Quốc, Tây Phi và cả Việt Nam. Tại đây, từ thanh toán taxi đến mua đồ lưu niệm hay trái cây, du khách đều có thể diễn ra một cuộc thương lượng nhỏ.
Đối với nhiều du khách lần đầu đến địa phương, hoạt động này có thể gây e ngại. Làm sao để không trả giá quá cao? Làm sao để thương lượng mà vẫn giữ được thiện cảm? Theo The New York Times, mặc cả không chỉ là kỹ năng mà còn là nghệ thuật của sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Chuẩn bị
Trước khi bước vào một phiên mặc cả, bạn hãy tìm hiểu xem việc này có phổ biến ở địa phương nơi mình đến hay không. Bạn có thể hỏi thăm thông qua nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên hoặc quan sát người dân địa phương.
Những khu vực dễ mặc cả nhất thường là chợ trời, điểm du lịch hay các khu bán hàng thủ công. Bạn nên học một vài câu mặc cả bằng ngôn ngữ địa phương và chuẩn bị tâm lý sẽ phải trả giá, điều này không hề bất lịch sự.
Chiến thuật
Một mẹo nhỏ là đừng vội mua ngay món đồ đầu tiên bạn thích. Thay vào đó, hãy dạo quanh, so sánh giá và đặt ra mức giá trần trong đầu. Mang theo tiền mặt với mệnh giá nhỏ cũng là cách giúp bạn kiểm soát chi tiêu và tránh bị ép giá.
Khi thương lượng, bạn đừng mở lời bằng một mức giá ngay lập tức. Hãy hỏi giá trước, đề nghị một mức giảm, rồi sau đó đưa ra con số bạn mong muốn. Mức trả giá thường dao động 25-75% so với giá gốc và mức chốt thường nằm ở giữa. Đôi khi, chỉ cần lịch sự từ chối là bạn sẽ nhận được một "mức giá bất ngờ cuối cùng".
Nếu mua nhiều mặt hàng cùng lúc, bạn cũng có thể thương lượng được mức giá tốt hơn. Người bán thường sẵn sàng giảm giá nếu bạn mua với số lượng lớn.
Thái độ
Cốt lõi của một cuộc mặc cả thành công là sự tôn trọng và tích cực. “Một nụ cười luôn hiệu quả hơn một thái độ cứng rắn”, Abdellah Elfirdaoui, người bán hàng ở chợ Marrakesh, chia sẻ.
Việc chào hỏi, trao đổi tên hay trò chuyện vài câu có thể khiến cuộc mặc cả trở nên dễ chịu và thân thiện hơn. Andrés Acosta, một người bán túi thủ công tại Madrid, cho rằng: "Đàm phán giá cũng giống như một trò chơi, phụ thuộc vào tâm trạng của cả hai bên. Lịch sự sẽ mở ra nhiều cánh cửa hơn bạn nghĩ".
Cuối cùng, hãy nhớ rằng mỗi cuộc mặc cả là một phần nhỏ trong hành trình khám phá văn hóa - nơi mà đôi khi, điều bạn nhận được không chỉ là mức giá tốt mà còn là một nụ cười và một câu chuyện khó quên.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'