Người xấu số là chị Trần Thị Hải Yến (31 tuổi, ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là bị can trong một vụ án cố ý gây thương tích.
Theo hồ sơ vụ án, chiều ngày 3/3/2012, người hàng xóm tên Dũng tổ chức hát karaoke tại nhà, gây ồn ào đến gia đình chị Yến ở sát bên.
Đến khoảng 21h30, mẹ Yến đến gõ cửa sổ yêu cầu hàng xóm tắt máy dừng hát. Một người trong nhà đề nghị hát nốt một bài. Bố của Yến nghe thấy đã đứng ngoài đường lớn tiếng chửi mắng.
Cha nạn nhân đề nghị quật mồ con để điều tra rõ sự việc. |
Dù đã tắt máy, nhưng vợ chồng ông Dũng vẫn bực tức vì bị hàng xóm chửi mắng lúc có khách, liền ra đầu ngõ cãi tay đôi. Yến thấy hai bên “đấu võ mồm” chạy ra góp lời, không bên nào chịu nhường nhịn nên thành lớn chuyện.
Trong lúc nóng giận, Yến cầm gạch ném về phía ông hàng xóm. Ném lần thứ nhất không trúng, đến lần ném tiếp theo thì trúng vào đầu, khiến ông Dũng chảy máu. Ông này kêu la thách thức. Gia đình Yến bỏ vào nhà, tắt điện đóng cửa.
Ông Dũng không chịu thua, nhặt đá ném vào nhà đối thủ. Hai bên ném qua ném lại nhưng không trúng nhau. Thấy sự việc đến hồi nghiêm trọng, người nhà chị Yến đi báo chính quyền để xử lý và hòa giải. Cả hai bên được mời lên công an xã để lấy lời khai.
Cô gái này đã “treo cổ tự vẫn” chỉ vì một mâu thuẫn cực nhỏ với hàng xóm? |
Tại bản giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Phú Yên kết luận: “Ông Dũng bị tác động bởi vật có cạnh nên một vết thương dài 3cm, sâu tới xương, bờ sắc, chảy máu ở vùng đỉnh đầu trái. Tỷ lệ thương tích toàn bộ là 12%. Trong đó vĩnh viễn là 0,2%, tạm thời là 10%”.
Cha của chị Yến cho biết, sau ngày xảy ra vụ án, con gái mình vẫn được tại ngoại để chờ điều tra. Sau đó, trong vụ án khác, một đứa con khác của ông làm đơn tố thiếu tá công an huyện Tuy An về hành vi khám người trái pháp luật.
“Bên phía công an nhiều lần thương lượng để gia đình tôi rút đơn kiện thiếu tá, đáp lại, họ sẽ bỏ qua vụ của Yến. Nhưng gia đình tôi quyết kiện đến cùng. Đơn kiện gửi đi được 15 ngày thì cháu Yến liền bị bắt về hành vi cố ý gây thương tích”, người cha nói.
Quá trình điều tra mập mờ?
Trong phiên xử sơ thẩm ngày 19/3, TAND huyện Tuy An tuyên phạt bị cáo Trần Thị Hải Yến 30 tháng tù giam. Người cha nói: “Vì thấy trong bản án đã tuyên còn nhiều mâu thuẫn và thiếu sót, hình phạt lại quá nặng, nên con gái tôi làm đơn kháng cáo”.
Trong phiên xử phúc thẩm đầu tháng 7/2013, đại diện VKS sát đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Bản án của TAND tỉnh Phú Yên nêu rõ: “Quá trình điều tra bị cáo Yến và nhân chứng đều khai thương tích của bị hại Dũng là do cầm cây đòn đánh Yến nhưng không trúng mà trúng vào hàng rào B40 làm gẫy đòn. Ông Dũng tự gây thương tích, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra chưa tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định cơ chế hình thành vết thương có khả năng phù hợp với thương tích của bị hại Dũng hay không?
Đồng thời cần dựng lại hiện trường để xác định vị trí đứng của bị cáo, bị hại, nhân chứng để xác định hướng ném gạch, đá, tầm nhìn của các nhân chứng và tiến hành đối chất sự mâu thuẫn trong lời khai của các nhân chứng”.
Cha mẹ nạn nhân không tin rằng con gái mình tự tử. |
Người cha cho hay, ngoài ra, bản án còn chỉ ra những thiếu sót của cấp sơ thẩm trong việc niêm phong và thu giữ vật chứng không đầy đủ, lấy lời khai của nhiều nhân chứng cùng một lần, cùng một biên bản không đúng quy định.
Trong hồ sơ bệnh án của bị hại cũng có sự “mập mờ” vì “có dấu gạch xóa, bổ sung nội dung liên qua đến vết thương” cần phải làm rõ… Vì vậy, HĐXX hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho VKSND huyện điều tra lại.
Sự cố đã xảy ra như lời người cha kể: “Sau phiên tòa phúc thẩm, con gái tôi tiếp tục bị tạm giam đến ngày 8/7 để chuyển hồ sơ cho VKSND huyện. Từ ngày 9/7 - 7/10, con gái tôi lại bị tạm giam 3 tháng theo lệnh của VKSND huyện.
Trước khi lệnh tam giam này hết thời hạn, ngày 20/9, Công an huyện Tuy An có công văn đề nghị VKSND tiếp tục gia thời hạn tạm giam thêm 2 tháng nữa, kể từ ngày 8/10 và được phê chuẩn”.
Trong quá trình ở Trại tạm giam Công an huyện Tuy An, chị Yến đã tử vong. Cơ quan chức năng trả lời nguyên nhân cái chết là do treo cổ tự vẫn.
Điều bất thường cảnh sát không bàn giao xác cho gia đình?
Kết luận của công an về cái chết của Yến nêu: “Bị can dùng áo sơ mi trắng quấn lại thành sợi dây, buộc vào thành cửa sổ buồng giam treo cổ tự tử”. Tuy nhiên gia đình nạn nhân cho rằng cái chết này còn nhiều nghi vấn.
Người cha nói: “Bên phía công an huyện Tuy An tổ chức khám nghiệm tử thi nhưng liền sau đó đem đi chôn cất ở nghĩa trang Thọ Vức (thành phố Tuy Hòa), không bàn giao xác cho gia đình tôi".
Theo những người thân tôi chứng kiến, việc khám nghiệm thì trước trán, hai bên má, môi và đỉnh đầu phải, ngón chân có nhiều vết xước, sưng bầm. Với những vết thương này, gia đình chúng tôi không tin Yến đã thắt cổ tự tử. Hơn nữa TAND tỉnh đã hủy án sơ thẩm thì con gái tôi không có lí do để tự vẫn.
Mặt khác trong những buổi tiếp chuyện, luật sư bào chữa mà tôi được nghe kể lại, con gái tôi rất bình tĩnh, không hề có thái độ hoang mang, lo sợ. Vì vậy gia đình tôi không thể tin vào thông báo trả lời của công an huyện”.
Người cha cũng đưa lý lẽ: “TAND tỉnh chưa có kết luận chính thức Yến có đúng phạm tội “cố ý gây thương tích” hay không, vì vậy, việc quyết định tạm giam bị can là điều không cần thiết”.
Hiện gia đình ông Long đã gửi đơn yêu cầu Bộ Công an, VKSND tối cao vào cuộc, khai quật tử thi con gái để tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ về nguyên nhân cái chết.
“Gia đình tôi mong muốn cơ quan chức năng lật lại hồ sơ, làm rõ về vụ án cũng như cái chết của con gái tôi, có như vậy con tôi mới được nhắm mắt thanh thản”, người cha mong mỏi.