Sống một mình giữa đợt giãn cách xã hội, Thanh Thùy quyết định đón một chú chó poodle về ở cùng để bớt cô đơn.
Tên: Thanh Thùy
Nghề nghiệp: Tiếp viên hàng không
Nơi ở: Quận Phú Nhuận, TP.HCM
Ngày nhận nuôi: 8/7/2021
Thú cưng: Peanut; 2 tháng tuổi; thuộc dòng Tiny Poodle
Lý do nhận nuôi
Chia sẻ với Zing, Thanh Thùy cho biết cô đã có ý định nuôi cún từ khá lâu để căn nhà có thêm sức sống. Tuy nhiên, do tính chất công việc thường xuyên vắng nhà nhiều ngày, Thùy chưa thực hiện được mong muốn của mình.
Đến đầu năm 2021 khi Covid-19 trở lại, hãng có ít chuyến bay hơn nên Thanh Thùy thường xuyên ở nhà. Có nhiều thời gian trống, cô bắt đầu nung nấu ý định nuôi thú cưng.
Chuẩn bị
Nhà nằm ở nội thành, có diện tích hẹp nên Thùy hướng đến việc chọn những giống chó nhỏ, không cần nhiều không gian chạy nhảy. Poodle là một trong số đó. Hơn nữa, theo tìm hiểu của Thùy, poodle là giống chó khá thân thiện và ít rụng lông.
"Tôi lên mạng tìm hiểu thông tin các giống chó và nơi bán uy tín. Một số người bạn đang nuôi thú cưng cũng chỉ tôi kinh nghiệm thiết lập chế độ dinh dưỡng và chọn vật dụng phù hợp", Thùy nói.
Đón thành viên mới
Thanh Thùy dự định sẽ tham khảo nhiều nơi, thậm chí đã lên danh sách các tiệm bán chó cảnh. Nhưng, do tình hình dịch lúc đó đã dần căng thẳng, cuối cùng Thùy chỉ chọn một địa điểm được bạn bè gợi ý.
8/7/2021, trước khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Thùy đón chú chó Tiny Poodle về nhà.
Tiny Poodle là dòng chó poodle có kích thước nhỏ. Con trưởng thành chỉ nặng khoảng 3.5 kg và chiều cao thường dưới 20 cm.
Cô chia sẻ: "Bé poodle này dễ thương và quấn quýt tôi ngay từ lần đầu gặp. Tôi nghĩ chúng tôi có duyên với nhau nên quyết định luôn không đắn đo".
Cô gái sinh năm 1995 đặt tên cho người bạn mới là Peanut (hạt đậu) với mong muốn Peanut sẽ luôn nhỏ bé, đáng yêu.
Thay đổi trong sinh hoạt
Vì đón Peanut khá gấp trong mùa dịch, các đơn hàng Thanh Thùy đặt cho con vẫn chưa giao đến. Cô đã hỏi mượn bạn bè một số vật dụng để dùng tạm trong lúc chờ.
Từ ngày có Peanut, Thanh Thùy thường xuyên đăng tải hình ảnh "hạt đậu" trên trang cá nhân. Cô nói mình bớt tủi thân hơn trong những ngày giãn cách, phải sống một mình một nhà.
Dù chưa đầy 1 tuần, cô tiết lộ việc có thú cưng đã thay đổi ít nhiều thói quen sinh hoạt bình thường. Thay vì thoải mái ngủ đến trưa, mỗi sáng Thùy đều bị đánh thức bởi tiếng động của poodle. Chú chó nhỏ có hôm đòi ăn, có hôm chỉ đơn giản là muốn được âu yếm.
"Tôi thấy mình có trách nhiệm hơn khi 'có con' vì phải dạy dỗ bé từng chút một. Nuôi chó cũng là cơ hội để tôi vận động trong nhà khi hàng ngày đều phải quét nhà, dọn vệ sinh, sắp xếp đồ đạc", Thanh Thùy kể.
Kinh nghiệm đón poodle cho người mới
Lần đầu tiên mua và tập tành chăm sóc poodle, Thanh Thùy chia sẻ kinh nghiệm cá nhân cho những ai đang muốn đón thêm vật nuôi.
BƯỚC 1: NGHIÊN CỨU
Không phải loài nào cũng có cách chăm sóc như nhau. Thanh Thùy nói việc tìm hiểu trước sẽ giúp chủ nuôi ít bỡ ngỡ với các vấn đề phát sinh như sức khỏe, thói quen, sở thích của chúng.
Ví dụ, Tiny Poodle dễ mắc các bệnh đường ruột nên cần hạn chế ăn thực phẩm khó tiêu hóa.
Thùy sống một mình nên khá chủ động trong quyết định mua chó. Tuy nhiên, những bạn có người ở cùng hoặc thuê nhà trọ cần cân nhắc các yếu tố này trước khi nuôi.
BƯỚC 2: CHUẨN BỊ NGÂN SÁCH
Một số chi phí cơ bản để đón poodle về nhà gồm:
- Tiny Poodle: 5 triệu đồng (giá trên thị trường dao động 4-7 triệu đồng)
- Chuồng sắt kích thước lớn: 800.000 đồng
- Thức ăn hạt cho chó con: 350.000 đồng/1,5 kg
- Khay đựng thức ăn inox: 100.000 đồng
- Khay vệ sinh: 200.000 đồng
- Ổ đệm: 200.000 đồng
- Bảng tên: 50.000 đồng
- Đồ chơi: 50.000-200.000 đồng
Tổng chi phí Thanh Thùy đã chi khoảng 7 triệu đồng. Thùy dự định sẽ tiêm phòng cho chó sau khi hết giãn cách.
BƯỚC 3: LÀM QUEN & HUẤN LUYỆN
Để Peanut quen nhà nhanh hơn, 3-4 ngày đầu tiên Thùy dành nhiều thời gian chơi đùa, nói chuyện với chú chó.
Theo Thùy, thú cưng càng nhỏ càng dễ huấn luyện. Đó là lý do cô đã bắt đầu tập cho poodle nhà mình đi vệ sinh đúng chỗ.
"Hầu hết giống chó có tập tính đi vệ sinh ở nơi nó đã đánh dấu. Do đó, tôi dùng giấy thấm mùi của Peanut để lên khay, Peanut đánh hơi được sẽ đến đúng vị trí đó khi cần giải quyết", Thùy tiết lộ.
Giờ sinh hoạt của poodle cũng rất khác so với chủ nuôi. Chúng ăn nhiều bữa trong ngày và chơi, ngủ bất cứ khi nào chúng thích.
Trong thời gian giãn cách không thể đi dạo, Thanh Thùy thường để cún cưng tự do đi lại trong nhà, ít nhốt chuồng.
"Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tập luyện với nhau, không phải lúc nào bé cũng làm theo ý tôi muốn. Dù vậy, tôi hiểu chăm sóc thú cưng cần nhiều kiên nhẫn. Chúng như những đứa trẻ vậy".