1. Lễ phát thức là gì?
Theo Tết cổ truyền người Việt (NXB Văn hóa Dân tộc), lễ phát thức tức là lễ rửa ấn. Vào ngày 20 tháng Chạp hàng năm, các quan trong cung mặc áo thụng xanh đến chầu tại điện Cần Chánh. Đức vua sẽ rửa ấn bằng nước múc ở ngã ba sông Hương, trong bình nước đựng đầy hoa thơm. Rửa xong, các quan cất ấn vào tủ và khóa lại, bên ngoài niêm hai chữ "Hoàng phong". Sau nghi lễ này, vua và quan nghỉ việc, không dùng đến ấn. |
2. Người cử hành lễ hạp hương là ai?
Lễ hạp hương là nghi lễ mời tiên đế về ăn Tết, thường được tổ chức vào ngày 22 tháng Chạp. Người cử hành lễ là vua. Vào ngày này, vua đến điện Thái Miếu hành lễ. Trên bàn thờ lễ được bày một cây lụa trắng, thời bấy giờ gọi là "chế bạch". |
3. Vào thời Nguyễn, cây nêu được dựng vào ngày nào?
Sách Tết cổ truyền người Việt (NXB Văn hóa Dân tộc), nêu: "Ngày 30 tháng Chạp làm lễ thượng tiên, tức là lễ dựng cây nêu. Vua ngự ra điện Thái Hòa dựng nêu trước, sau đó nhân dân bắt đầu dựng tại nhà mình". |
4. Vào ngày Tết, hoàng thân quốc thích, quan văn võ được thưởng gì?
Tết Nguyên đán là dịp để vua ban thưởng cho những người có công với đất nước. Mồng 1 Tết là ngày ban thưởng cho hoàng tử, hoàng thân, tôn tước, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ (từ tứ phẩm) trở lên. Mồng 2 Tết ban thưởng cho quan văn (từ lục phẩm) và quan võ (từ ngũ phẩm) trở xuống. Cụ thể, hoàng tử, hoàng thân được thưởng mỗi người 20 lạng bạc. Quan văn, võ chánh nhất phẩm 20 lạng, tùng nhất phẩm 10 lạng, chánh nhị phẩm 8 lạng, tùng nhị phẩm 6 lạng... |
5. Ai tham gia cày ruộng trong lễ tịch điền tại cung đình?
Lễ tịch điền được tổ chức vào dịp đầu năm. Vào ngày này, vua, hoàng thân và quan lại đều tham gia cày ruộng để làm gương cho dân chúng. Nhà vua mặc áo chẽn, một tay cầm roi, một tay cầm cày, phía trước có hai con bò kéo cày. Đi theo hầu vua có phủ thừa và viên ấn quan Bộ Hộ theo hầu, một người mang thúng giống, một người vãi giống. Sau khi vua cày xong, hoàng thân và quan lại tiếp tục thực hiện nghi lễ này. |
6. Lễ rước Thần Nông được tổ chức khi nào?
Lễ rước Thần Nông thời Nguyễn thường được tổ chức sau lễ tịch điền. Lễ này không có vua dự, chỉ có quan cùng một số binh lính. Để làm lễ, người ta chuẩn bị mô hình Thần Nông là một đứa trẻ và một con trâu, làm từ đất sét và nan tre. Đám rước Thần Nông có quan văn, quan võ đi cùng, binh lính cầm cờ quạt, tàn lọng theo. Sách Tết cổ truyền người Việt (NXB Văn hóa Dân tộc) có viết: "Năm nào mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt thì Thần Nông đi cày cả hai chân. Còn năm nào ông hoảng hốt, tất bật chân không kịp mang giày (một chiếc cầm tay) là mất mùa". |