Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

QUIZZ

Phong tục đón Tết độc đáo của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Một số cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Việt Nam có cách đón Tết riêng với những phong tục, truyền thống độc đáo.

Tet cua nguoi dan toc thieu so anh 1

1. Trước đây, người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đón Tết vào ngày nào?

  • Ngày đầu năm
  • Ngày cuối năm
  • Ngày lập hạ
  • Không có ngày cụ thể

Theo Tết năm mới ở Việt Nam, trước đây người dân tộc thiểu số ở Việt Nam không có lịch đón Tết cụ thể. Sau khi thu hoạch lúa, cả làng sẽ họp bàn để ấn định ngày đón năm mới, thông thường sẽ rơi vào khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa hai vụ lúa. Thậm chí, một số tộc người căn cứ vào mùa hoa nở trong vùng để xác định ngày đầu năm. Ví dụ, năm mới của người Thái ở Tây Bắc sẽ bắt đầu khi hoa ban nở trắng rừng, người Mông ở Lào Cai đón Tết khi hoa chó đẻ bắt đầu nở. Năm mới của một số tộc người ở vùng Tây Nguyên bắt đầu khi cây pơ lang (cây gạo) bắt đầu vào mùa hoa. Hiện, một số tộc người thiểu số bắt đầu đón Tết âm theo lịch của người Kinh.

Tet cua nguoi dan toc thieu so anh 2

2. Tết của người Cơ Ho có tên gọi khác là gì?

  • Tết mừng lúa mới
  • Tết âm lịch
  • Tết tháng giêng
  • Tết Nguyên đán

Tết mừng lúa mới của người Cơ Ho (Tết Lir-bông) thường bắt đầu vào tháng 3 dương lịch, sau khi thu hoạch lúa, và kéo dài cả tháng. Lễ cúng mừng lúa mới được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình, khi Mặt Trời đã lặn. Khi đó, mọi người trong nhà ngồi quây quần quanh bếp lửa, gia chủ phụ trách đọc văn khấn và cúng gà. Sau khi khấn, chủ nhà cắt tiết gà, bôi máu vào kho thóc, cửa nhà và cửa sổ. Ngoài ra, người Cơ Ho giã nhỏ cỏ tranh để bôi lên ngực, lên trán các thành viên trong nhà để cầu bình an, may mắn. Sau lễ cúng, cả gia đình cùng nhau ăn uống, nhảy múa đến sáng hôm sau. Ảnh: Ngọc Lân.

Tet cua nguoi dan toc thieu so anh 3

3. Người Êđê, Xơ Đăng thường ném món gì vào nhau trong dịp Tết?

  • Tiền xu
  • Nắm cơm, nắm xôi
  • Muối
  • Đậu đỏ

Vào chiều 30 Tết, cộng đồng người Êđê, Xơ Đăng sẽ tụ tập tại nhà rông, cùng nhau đón năm mới. Sau khi trưởng làng hoàn thành bài khấn thần linh, mọi người sẽ bắt đầu uống rượu, ca hát và ném nắm cơm, nắm xôi vào nhau. Theo quan niệm của Êđê, Xơ Đăng, việc ném nắm cơm, nắm xôi mang ý nghĩa chúc nhau năm mới hạnh phúc, ấm no, đồng thời cầu cho mùa màng năm mới thuận lợi, bội thu. Ảnh: Thế Dương.

Tet cua nguoi dan toc thieu so anh 4

4. Tục giã cốm đón xuân của người Mường được gọi là gì?

  • Đâm cốm
  • Đâm lúa
  • Đâm đuống
  • Đâm cối

Tết năm mới ở Việt Nam đề cập tục giã cốm, giã gạo đón xuân của người Mường thường được gọi là tục đâm đuống, với mong muốn mùa màng bội thu, sung túc. Theo tiếng Mường, đâm đuống còn gọi là “chàm đuống”, chàm là đâm từ trên xuống, đuống là máng gỗ để giã gạo. Vào ngày 30 Tết, người Mường chọn máng gỗ tốt, hình thuyền độc mộc để thực hiện phong tục. 6 cô gái xinh đẹp, mặc trang phục truyền thống được chọn để giã gạo. "Nhịp chày như nhịp trống báo hiệu một năm mới đầy hứa hẹn, tạo không khí vừa náo nhiệt, vừa linh thiêng bao trùm khắp bản làng". Ảnh: Hồng Minh.

Tet cua nguoi dan toc thieu so anh 5

5. Tộc người nào ở Việt Nam có tục cúng trứng gà vào ngày Tết?

  • Người Tày
  • Người Xu Đăng
  • Người Chăm
  • Người Mông

Lễ vật cúng thần linh và tổ tiên vào ngày Tết của người Chăm luôn có trứng gà. Dâng cúng trứng gà là hành động tạ ơn thần linh, tổ tiên, đồng thời cầu mong con cháu đầy đàn, hạt lúa chắc mẩy. Ngoài ra, người Chăm thường cúng thêm những sản vật làm từ gạo mới để cầu thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Ảnh: News24.

Tet cua nguoi dan toc thieu so anh 6

6. Vào đêm giao thừa, người Tày đi múc nước để nấu món gì?

  • Nấu xôi
  • Luộc gà
  • Nấu canh
  • Nấu cơm

Trong đêm giao thừa, trưởng bản sẽ cùng người dân đi gánh nước (hay còn gọi là rước nước). Trước đây, nam thanh nữ tú chưa kết hôn sẽ phụ trách đi rước nước. Nước suối mang về đựng trong quả bầu, đặt lên ban thờ để cúng tổ tiên. Sau đó, số nước này được dùng để nấu xôi cúng thần linh, tổ tiên. Ngoài ra, "nước mới đầu năm" được người Tày dùng để rửa mặt, chân tay. Người dân quan niệm, nước suối mát lành, sạch sẽ, dùng rửa mặt thì cả năm sẽ được mát mẻ, sạch sẽ, cả năm nhiều may mắn, nhiều tài lộc. Ảnh: Phạm Hằng.

Tet cua nguoi dan toc thieu so anh 7

7. Người Pu Péo kiêng làm gì trong 3 ngày đầu năm?

  • Giã gạo
  • Trồng cây
  • Ăn cơm
  • Rửa bát

Đối với người Pu Péo, nước trong ngày đầu năm gọi là "nước vàng nước bạc". Vào mồng một Tết, người dân sẽ múc nước mang về nhà sử dụng. Tuy nhiên, trong 3 ngày đầu năm, người Pu Péo kiêng rửa bát, tránh để nước trôi đi lãng phí. Ngoài ra, dân làng sẽ cùng nhau tổ chức lễ "bạt ong" (lễ ép nước) để cầu cuộc sống bình an, khỏe mạnh. Ảnh: SVHTTDT Hà Giang.

Những điều kiêng kỵ của người miền Nam trong dịp Tết

Giống như miền Bắc và miền Trung, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người miền Nam cũng có những kiêng cữ, mong có được may mắn quanh năm.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm