Trong các trò chơi Tết của vua chúa triều Nguyễn, Đầu hồ và Họa ngự thi thịnh hành hơn cả.
Đầu hồ
Đây là trò chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào nước ta, được các vua triều Nguyễn ưu thích. Đầu trong tiếng Hán có nghĩa là “ném vào”. Hồ là “cái bầu”. Đầu hồ là trò chơi ném thẻ vào cái miệng hẹp của một cái bầu.
Bộ đồ chơi Đầu hồ gồm có 3 vật liệu chính: 12 chiếc thẻ tượng trưng cho 12 tháng trong năm, được vót từ một loại gỗ chắc nhưng rất dẻo, mỗi thẻ dài khoảng 68 cm, một đầu tiện tròn, một đầu phẳng.
Vật liệu thứ hai là một miếng gỗ, mỗi bề rộng 20 cm, dày 4 cm. Vật liệu thứ ba gồm một cái bình hình quả bầu (hình tượng trưng cho sự giàu sang), không có đáy đặt trên một cái đế có căng mặt trống.
Tranh minh họa trò chơi Đầu hồ. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Huế. |
Người chơi sẽ đứng cách cái bình khoảng 2,5 m, tay cầm chiếc thẻ ném xuống miếng gỗ trước mặt sao cho thẻ trúng miếng gỗ, búng lên không trung trước khi lộn đầu rơi tọt vào vào miệng bình.
Thẻ rơi trúng bình sẽ gõ vào trống nhỏ đặt dưới đế, phát ra tiếng “binh! binh!” báo hiệu thắng lợi. Tương truyền thời nhà Nguyễn, cứ sau những buổi yến tiệc trong dịp Tết, vua và các quan thường chơi trò này.
Đây là trò chơi rất khó, người nào ném được nhiều thẻ vào bình sẽ thắng cuộc. Kẻ thua phải dâng rượu cho người thắng.
Tự Đức và Bảo Đại là hai vua được cho là chơi trò này giỏi nhất. Vua Tự Đức thường tổ chức Đầu hồ để nhắc các quan về “sự trung thành, đức khiêm tốn, tính cương trực và lòng yêu nước”.
Theo một số tài liệu, cách chơi Đầu hồ của triều Nguyễn khó hơn của người Trung Hoa, Nhật Bản. Nếu như ở nơi khác, người chơi được ném mũi tên thẳng vào bình, luật chơi triều Nguyễn quy định phải ném qua một vật bằng gỗ thường gọi là con ngựa hay con cóc, đặt giữa người chơi và miệng bình.
Từ khi nhà Nguyễn sụp đổ năm 1945, trò chơi này mai một dần, gần đây mới được phục hồi. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế vẫn còn lưu giữ khá nhiều bộ đồ chơi Đầu hồ.
Họa ngự thi
Các vua triều Nguyễn rất thích văn thơ, đặc biệt là Tự Đức. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, vua thường chọn 4 quan văn cùng chơi Họa ngự thi.
Tới gần giao thừa, các quan được chọn Họa ngự thi phải đứng đợi trước nhà mình, bên cạnh hương án, trầm hương nghi ngút, với hai lính hầu hai bên.
Khi nghe có tiếng ngựa hí, lục lạc kêu của kỵ mã do vua phái tới, họ lập tức mặc áo mão để tiếp lệnh vua. Kỵ mã dâng tráp cho quan, trong đó có bài ngự thi (thơ của vua). Quan nhận thơ của vua xong phải ngay lập tức vào vẽ lại bằng giấy hoa tiên.
Sau đó, viên kỵ mã tiếp tục đi giao cho 3 quan còn lại. Giao thơ cho quan cuối cùng xong, kỵ mã quay lại nhận bài họa của quan đầu tiên và cứ thế cho tới khi nhận hết 4 bức của 4 quan.
Thời điểm này, vua sẽ đợi trong cung để nhận 4 bài thi, tự mình kiểm duyệt. Tới ngày đầu năm mới, vua cho cận thần công bố trước văn võ bá quan. Đích thân vua làm giám khảo, chọn ra bài phụng họa hay nhất để ban thưởng dịp năm mới.
Du khách nước ngoài thử sức với trò chơi Đầu hồ được tổ chức trước khu vực kỳ đài Huế. Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam. |
Vua Bảo Đại với trò chơi khác biệt
Trong số 13 vị vua triều Nguyễn, Bảo Đại có phong cách sống “Tây” nhất. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi từ nhỏ, ông vua này đã được sống và học tập ở Pháp, sau này mới về nước làm vua.
Không giống những vị vua trước đó, ngày mùng 1 Tết, vua Bảo Đại thường cùng Nam Phương Hoàng Hậu tới cung Diên Thọ thăm và chúc Tết Hoàng thái hậu Đức Từ Cung để tỏ lòng hiếu thảo. Tại đây, vua nghe nhạc trữ tình phương Tây, đánh cờ domino, làm cho không khí thêm vui nhộn, phấn chấn.
Sau khi thực hiện xong các điển lễ, Bảo Đại thường đi ôtô xuống Dạ Lê để đánh golf cùng những người bạn nước ngoài tại nơi ông cho xây dựng sau khi du học Pháp về.
Ngoài ra, vua Bảo Đại còn chơi quần vợt trong sân được xây riêng tại hoàng thành, biểu diễn Jet ski (chơi motor nước) trên sông Hương ngay trong những ngày Tết Nguyên đán.
Là người đam mê thể thao, ngay cả dịp Tết, vua Bảo Đại vẫn duy trì thói quen chơi thể thao của mình.
Vua triều Nguyễn du xuân thế nào?
Theo sách Lễ tết ăn chơi trong cung Nguyễn, đến đời vua Đồng Khánh (1885-1888), người Pháp tổ chức cho vua du xuân, để thần dân được thấy mặt vua.
Khi du xuân, vua ngồi trên kiệu, bá quan, văn võ mang gươm giáo đi theo hộ tống. Về sau, vua Khải Định và vua Bảo Đại tiếp tục truyền thống du xuân của vua Đồng Khánh.