Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vua Lê, chúa Trịnh làm gì vào dịp Tết?

Dưới thời phong kiến, Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của quốc gia. Ngày này, vua chúa, quan lại, nhân dân vui vẻ đón Tết.

"Chiều 30 Tết, người dân trồng trước nhà một cây nêu, xung quanh viền giấy mã lóng lánh như kim tuyến. Giỏ và giấy trang kim này buộc ở trên ngọn sào có ý nghĩa tiêu trừ tà ma ra xa chỗ nhà ở, cũng như cắm bồ nhìn trên ruộng gai hay những đất mới vãi hột để đuổi chim chóc", trích sách "Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII".

Người dân rộn ràng đón Tết

Cũng theo sách trên15 ngày trước khi hết năm, chợ miễn thuế mở khắp trong xứ, ai cũng được phép đem hàng tốt nhất ra bày bán. Lái buôn ở khắp nơi kéo đến, hy vọng bán được nhiều hàng.

Chợ Tết rất nhộn nhịp, nhiều người mua sắm. Quan cũng như dân đều lo may quần áo mới, dọn dẹp nhà cửa khang trang, sửa sang võng cáng, tàn lọng, đắp lại mồ mả, cột nhà tường vách treo đầy câu đối, tranh vẽ, vua chúa cũng cho quét dọn lăng tẩm.

Chiều  30 Tết, người dân trồng trước nhà cây nêu, xung quanh có viền giấy mã lóng lánh như kim tuyến. Theo tín ngưỡng của người Việt xưa, cây nêu sẽ xua đuổi ma quỷ vào nhà, khi các vị thần giữ nhà đã về thiên đình báo cáo ngọc hoàng.

Tet Ky Hoi anh 1
Tết ở kinh thành Thăng Long xưa.

Sau giao thừa, trai trẻ suốt đêm đi chơi, nhảy múa, hát hò. Họ vào mọi nhà chúc mừng năm mới. Nếu được thưởng tiền, họ giữ lấy để tiêu dùng suốt trong dịp Tết.

Sau giao thừa là lúc năm mới bắt đầu, không nhà nào đóng cửa, ngõ, với niềm tin để đón ông bà tổ tiên. Trong ba ngày Tết, nhất là mùng 1, người ta đi chúc tuổi nhau; vào nhà nào cũng được mời ăn, nếu từ chối là bất lịch sự.

Theo thông lệ, người dưới phải đem đồ, hoặc cho người đại diện đi tết người trên. Con cháu phải đi tết ông bà, cha mẹ, chú bác; trò phải tết thầy…, quan cấp dưới cũng phải gửi đồ tết quan trên.

Sáng sớm mùng một, khắp bốn góc thành phố và các vùng lần cận, người dân nghe thấy ba cỗ thần công bắn.

Tết trong cung đình

Ngày 30 Tết, Tây định vương Trịnh Tạc cùng quan quân theo hầu, ra khỏi vương phủ để đi tắm sông hoặc tại nhà gần đó, nhằm thanh tẩy dĩ vãng, đón nhận đời sống mới. Sáng ngày mùng một, buổi chầu được tổ chức long trọng hơn bình thường.

 Hôm đó, vua cởi bỏ y phục, tắm xong mặc hoàng bào mới. Các đại thần đã túc trực sẵn, hoàng tử vào chúc tụng trước. Tiếp đến, quan văn rồi mới đến võ thần chúc tụng. Các đình thần bái xong, vua lui vào cung để nhận lễ của hoàng hậu, các bà phi, cung tần và thị nữ.

Tet Ky Hoi anh 2
Tết trong cung đình xưa.

Hoàng hậu quỳ lễ trước rồi đến những người khác theo thứ bậc của mình, lễ cử hành từ lúc chưa rạng đông. Chúa Trịnh cử một viên quan sang triều bái và chúc tụng vua. Trong lúc ấy, quân hầu sửa soạn cuộc du xuân của vua.

Vào rạng đông, vua ra khỏi cung, mặc hoàng bào lộng lẫy, ngồi trên kiệu có 50 người khiêng. Số người đi theo hầu rất đông. Có quan ăn mặc rực rỡ, ngồi voi đóng bành rất đẹp. Có người mặc quần áo lộng lẫy, cưỡi ngựa. Vệ binh đội nào có cờ ấy, cờ bằng lụa mỏng hay bằng nhung, cầm binh khí nạm vàng hoặc bịt bạc sáng nhoáng.

Trong lúc vua xuất hành, chúa đi tế trời với bộ hạ thân tín, các quân hộ vệ và phu thần ở giữa một cánh đổng rộng. Chúa dâng chén rượu và cúi mình vái dài, rồi uống chén rượu đó. Các quan đọc sớ xin trời cho mưa lúc hạn, bốn mùa có gió hòa, mưa thuận. Chúa cũng khấn và vái dài.

Tế trời xong, chúa cầm cái cày rất đẹp, mạ vàng, cày mấy luống và cầu xin đất ban ơn cho mọi người làm cho mùa màng tốt đẹp.

Điện thờ sáng trưng đèn, nến đặt thành hàng đối nhau bốn phía và sực nức mùi hương. Làm lễ xong, chúa rửa tay. Đạn được lắp vào ba khẩu thần công để bắn. Kết thúc, chúa về phủ, tùy tùng ai về nhà đó cúng gia tiên.

Nếu hôm ấy mưa, họ cho là điềm tốt, bị ướt cũng vui mừng, xem đó là tin báo trước cho họ biết năm ấy ruộng, vườn được mùa và thâu nhiều hoa lợi.

Nếu lúc vua xuất hành có mưa, toàn thể dân chúng vui mừng và hoan hô đấng quân thượng. Đức vua bị mưa ướt cũng vui mừng vì cho rằng đó là điềm tốt, còn được ở ngôi dài lâu.

Sau khi tết vua, các quan trở lại tết chúa. Các quan đi chầu hoặc tết vua chúa, phải mặc áo tím, đội mũ lục lăng và phải lạy sát đất 4 lần. Riêng nữ giới chỉ ngồi lạy một lần. Mùng 3 Tết, chúa Trịnh tiếp người ngoại quốc đến dâng tuổi.

Vì sao quan niệm 'Heo vàng' và 12 con giáp ở nhiều nước lại khác nhau? 12 con giáp là hình ảnh có dấu ấn sâu sắc trong văn hóa Việt Nam và cả phương Đông, nhưng không phải nước nào cũng có 12 con giáp như nhau.

Gần 500 năm trước, người Việt làm gì vào dịp Tết?

Theo ghi chép của người phương Tây, Tết Nguyên Đán của người Việt ở thế kỷ 17 diễn ra nhộn nhịp với nhiều thú vui độc đáo sau một năm bận rộn.

Nguyễn Thanh Điệp

Bạn có thể quan tâm