1. Vì sao phải cúng giao thừa ngoài trời?
Người Việt Nam xưa quan niệm, mỗi năm Thiên Đình lại thay toàn bộ thần cai quản hạ giới. Giao thừa là thời điểm bàn giao, các quan quân hết thời hạn làm việc sẽ đi về trời, những người mới sẽ thay phiên đi xuống hạ giới, tiếp quản thiên hạ. Khi đó, các gia đình sẽ cúng xôi gà, bánh trái để bày tỏ lòng biết ơn, tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới. Theo 100 điều nên biết về phong tục tập quán Việt Nam, việc bàn giao diễn ra khẩn trương nên thần nhà trời không có nhiều thời gian ăn uống. Vì thế, các gia đình đã đặt mâm cúng ngoài trời để thần có thể chứng kiến tấm lòng thành của chủ nhà, hoặc dễ dàng mang đồ ăn về Thiên Đình. Cũng vì thế, mâm cúng giao thừa của người Việt thường được chuẩn bị đa dạng, bắt mắt để thần chú ý và phù hộ cho gia chủ. |
2. Đêm giao thừa còn có tên gọi khác là gì?
Đêm giao thừa thường được gọi với cái tên khác là đêm trừ tịch. Vào đêm này, trời rất tối, người dân sẽ coi đây là thời khắc rũ bỏ những điều không hay, xóa bỏ hiềm khích, nợ nần trong năm cũ. Vì thế, khi chuyển giao giữa thời khắc cuối cùng của năm cũ và khởi đầu của năm mới, người Việt Nam sẽ dâng hương, bày tỏ lòng thành kính để bước qua năm mới. |
3. Đốt pháo trong đêm giao thừa mang ý nghĩa gì?
Theo Tết cổ truyền người Việt, nghi thức đốt pháo trong đêm gia thừa mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, người xưa quan niệm tiếng pháo ngân vang trong đêm tịch mịch giúp xua đuổi ma quỷ, những điều không may trong năm cũ. Thứ hai, âm thanh pháo vui tai như lời chào mời con người bước qua một năm mới an khang, nhiều hy vọng. Ngoài ra, tiếng pháo trong đêm giao thừa có ý nghĩa đặc biệt trong nông nghiệp. Vào mùa đông, đất trời ngủ yên, cây cối cằn cỗi. Khi xuân sang, người nông dân sẽ đốt pháo để đánh thức lúa và gọi sấm về. Bằng cách này, trời sẽ mang mưa về nhân gian, giúp người nông dân làm nông thuận lợi hơn. |
4. Vì sao người dân chọn hái lộc cây đa vào đầu năm?
Khi bước qua năm mới, các gia đình sẽ cử người xuất hành và hái lộc. Người Việt xưa thường hái lộc ở cây đa đầu làng hoặc cây già nhất trong vườn chùa. Cây đa được nhiều người chọn vì đây là giống cây sống lâu, tượng trưng cho tuổi thọ. Ngoài ra, chữ "đa" có nghĩa là nhiều. Người hái lộc mang lộc đa về nhà với mong muốn có nhiều con, nhiều tiền bạc. |
5. Người Việt xưa làm gì trong ngày đầu năm để cầu lộc, cầu tài?
Sách Tết cổ truyền người Việt có nêu "gánh nước dầu năm để nhất bản vạn lợi". Cụ thể, nhiều người nghèo thường đi gánh nước vào ngày mồng 1 Tết và mang về cho các gia đình trong làng. Theo quan niệm xưa, nếu đầu năm có người gánh nước mang đến nhà, cả năm tiền bạc sẽ "vào như nước". Vì thế, các gia chủ rất đón nhận gánh nước của người nghèo và thưởng cho họ tiền công hậu hĩnh. |
6. Vì sao người Việt kiêng cho lửa vào đầu năm mới?
Người Việt xưa quan niệm lửa tượng trưng cho cái may mắn của mỗi gia đình. Nếu cho lửa vào đầu năm, gia chủ sẽ mất đi may mắn, chỉ còn lại "cái đen" là vận xui, những điều không may. |
7. Người Việt thường tổ chức hoạt động gì trong năm mới?
Năm mới cũng là dịp để các gia đình tổ chức lễ mừng thọ cho người lớn tuổi trong gia đình. Các nước phương Tây thường mừng thọ vào ngày sinh nhật. Tuy nhiên, người Việt xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh nhật. Vì thế, các gia đình sẽ làm mừng thọ cho cha mẹ, ông bà vào ngày đầu năm. Theo 100 điều nên biết về phong tục tập quán Việt Nam, lễ mừng thọ sẽ tổ chức theo tuổi tròn chục, ví dụ như thọ lục tuần (60 tuổi), thọ thất tuần (70 tuổi), thọ bát tuần (80 tuổi), thọ cửu tuần (90 tuổi). Đến 100 tuổi sẽ tổ chức lễ đại thọ, hay còn được gọi là bách tuế, bách niên chi lão. |