Theo thỏa thuận, mỗi tháng người chơi phải nộp cho chủ "phường" một khoản tiền nhất định. Sau 20 đến 30 tháng, họ sẽ được rút toàn bộ tiền đã bỏ ra cùng với tiền lãi.
Do tin tưởng chủ "phường" ở ngoại thành Hà Nội, nhiều người ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai đã mang tiền đóng cho người phụ nữ tên Phượng.
Nhiều người lo mất trắng hàng trăm triệu đồng
Gần một tháng qua, nhiều người dân xóm Liên Châu (Thanh Oai, Hà Nội) lo lắng khi đã quá hạn nhiều ngày nhưng chị Phượng liên tục khất lần không trả tiền gốc và lãi. Có người khóc ròng nhiều ngày vì lo mất trắng hàng trăm triệu đồng mà cả gia đình đã tích góp.
Bà Thắm lo lắng mất gần 600 triệu đồng do chơi "phường". Ảnh: A.D. |
Trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, bà Đào Thị Thắm (72 tuổi) ngồi nhìn ra sân với gương mặt thất thần, mắt đỏ hoe. Nhiều ngày qua bà chỉ khóc vì lo số tiền gần 600 triệu đồng đã đóng không biết bao giờ có thể lấy lại.
"Gia đình tôi đã "đi phường" được 30 tháng, mỗi tháng 20 triệu. Theo lịch, cuối tháng 10 nhà tôi được rút hơn 600 triệu đồng. Vốn liếng cả đời mà vợ chồng tôi cùng các con tiết kiệm được giờ làm sao đòi lại đây”, bà lão than.
Sức yếu, lưng còng nhưng bà Thắm bảo ngày nào cũng chống gậy đi đòi nợ. Ngày nào cũng vậy, bà lão lọ mọ bước chân đi trong hy vọng nhưng rồi trở về tay trắng. "Không biết bao giờ mới đòi lại được tiền. Chủ "phường" bảo khi nào có thì trả", bà Thắm kể.
Người dân ở đây bảo người phụ nữ tên Phượng có thời gian bỏ đi khỏi địa phương gần 20 ngày, khiến nhiều người trong làng lo mất trắng tiền. Mới đây, người này bất thình lình trở về nhưng đến nay chưa trả tiền cho họ.
Bà Hoàng Thị Mượn than phiền về khoản tiền chưa lấy lại được. Ảnh: A.D. |
Giống bà Thắm, cụ bà Hoàng Thị Mượn (88 tuổi) cũng rơi vào cảnh không lấy được tiền.
Bà Mượn sống một mình 15 năm nay, ăn uống tằng tiện. Tiền con cháu gửi biếu và đi bán rau bà bảo để ra được khoảng 200 triệu đồng phục vụ dưỡng già. Mỗi tháng bà dùng 4 triệu để chơi "phường".
"Tôi chơi cũng chỉ mong có một khoản dưỡng già, đỡ phiền đến con cháu. Thời hạn rút là đầu tháng 11, tổng số hơn 200 triệu song đến nay chưa nhận được đồng nào", cụ bà vừa nói vừa khóc.
Ngoài bà Thắm, bà Mượn, ở xóm Liên Châu có ông Lam (77 tuổi) cũng tham gia góp "phường" hơn 500 triệu. Quá ngày rút hơn một tháng, ông chưa thấy tiền đâu. Ông bảo chỉ mong được trả lại phần gốc để có tiền đưa vợ đi khám bệnh.
Công an vào cuộc điều tra
Nhắc đến chủ "phường" tên Phượng (36 tuổi) ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai ai cũng biết. Chị ta buôn bán hàng khô, mở "phường" đã được khoảng 10 năm.
Thấy chị này trước đó làm ăn uy tín, người chơi tham gia ngày một đông. Và cứ vậy, "phường" của chị Phượng nhanh chóng lớn nhất làng.
Người phụ nữ 36 tuổi sống trong ngôi nhà 3 tầng khang trang nhất xóm. Mấy ngày nay, nhiều người lui đến đây đòi lại tiền. Vẫn ở nhà tiếp đón mọi người nhưng chiều 16/12, khi phóng viên đến gặp để hiểu rõ thêm thông tin, chị đã từ chối gặp với lý do "để nhà chức trách xử lý".
Giấy ghi lại số tiền một hộ dân đóng "phường" qua từng tháng. |
Liên quan đến vụ việc, ông Đào Quang Huệ, Chủ tịch UBND xã Liên Châu, cho biết địa phương đã tiếp nhận đơn trình báo của hơn 80 hộ dân về việc chị Phượng chưa trả tiền. Nhiều người chưa nói chính xác số tiền đóng "phường" nên đến nay UBND xã mới ghi nhận về vụ nghi vấn vỡ "phường" hơn 8 tỷ đồng.
“Chúng tôi khuyên người dân nên tới UBND xã trình báo cụ thể, tránh hành vi kích động để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Vụ việc quá lớn, vượt thẩm quyền giải quyết của chúng tôi. Công an huyện Thanh Oai đã vào cuộc thụ lý và tìm hướng giải quyết.”, ông Huệ nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội, cho biết hình thức chơi "phường" phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Chơi "phường" được xác định là giao dịch dân sự, nếu có tranh chấp sẽ được tòa án có thẩm quyền giải quyết.
"Khi xác định được căn cứ thể hiện chủ "phường" gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản của những người tham gia chơi "phường" thì người này sẽ bị khởi tố, truy nã về tội Lừa đảo hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật", luật sư Cường chia sẻ.
Chơi "phường" còn có tên gọi khác là chơi họ, chơi hụi, chơi biêu.... Đây là một trong những hình thức huy động vốn trong dân gian và thường do phụ nữ thực hiện.
Khu vực xã Liên Châu (Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Google Maps. |