Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nghĩa địa' lốp xe khổng lồ tại Kuwait

Kuwait được biết đến là một trong những nhà phân phối hàng đầu về dầu và khí tự nhiên nhưng cũng nổi tiếng với những “bãi tha ma” là nơi tập trung của hàng triệu chiếc lốp xe cũ bị vứt chỏng chơ không ai đoái hoài.

Vùng Sulaibiya của Kuwait là nơi tập trung rất nhiều chiếc lốp xe cũ và diện tích khu vực này không ngừng tăng lên, lớn đến mức nó có thể được nhìn thấy từ không gian. Tính đến nay đã có hơn 7 triệu chiếc lốp bị đem vứt bỏ ở nơi này.

Đặc biệt, những chiếc lốp được chuyển đến không chỉ có xuất xứ trong nước mà còn được “nhập khẩu” từ các quốc gia bên ngoài. Hiện tại đang có khoảng 4 công ty được trả tiền để phụ trách việc đưa lốp xe đến đây.

Hình ảnh nhìn từ vệ tinh.

Năm ngoái tại Kuwait xảy ra một vụ cháy gần Al Jahrah vào ngày 17/4. Khoảng 5 triệu chiếc lốp đã bốc cháy khiến hàng trăm lính cứu hỏa cùng nhân viên công ty Dầu mỏ Kuwait phải tham gia dập lửa. Chỉ một tháng sau, một vụ hỏa hoạn khác lại xảy ra tại bãi rác Amghara. Các đám cháy được mô tả như một thảm họa môi trường. Một số nghị sĩ hứa hứa hẹn sẽ đem vấn đề ra thảo luận trước Quốc hội.

Kể từ năm 2006, Liên minh châu Âu đã thông qua đạo luật cấm vứt lốp xe cũ ra bãi rác nên hình thức xử lý này được xem là phi pháp. Tại Anh, tất cả các loại lốp xe tải và xe hơi đều phải được thu hồi để tái chế và tái sử dụng. Cho nên, những quốc gia như Kuwait đã trở thành điểm tập kết rác thải thế giới.

Vốn dĩ các nhà tư vấn tiêu dùng tại Edmunds.com thường khuyên người tiêu dùng không nên ham rẻ mà dùng lốp cũ do nó có thể không chịu được áp suất khi bơm và dễ nổ khi đang di chuyển. Song nếu biết tái chế đúng cách thì những chiếc lốp tưởng như bỏ đi này vẫn có thể hữu ích một cách lạ kỳ. Một trong những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được khám phá ra là lốp xe có thể được sử dụng để làm đường sau khi một thử nghiệm cho thấy chúng sẽ giúp mặt đường yên tĩnh hơn. Một trong những con đường đông đúc nhất tại tại Scotland đã được làm từ nhựa đường từ cao su vụn và lốp xe cũ. Các chuyên gia cho biết loại đường này không yêu cầu nhiều bảo dưỡng mà vẫn đảm bảo thoát nước. Không những vậy, những nhà tái chế lốp xe cũng khẳng định kỹ thuật sẽ giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Đường cao su được xây dựng đầu tiên tại Mỹ vào những năm 1960, tới nay đã trở nên phổ biến tại các nước như Trung Quốc, Brazil, Tây Ban Nha và Đức, giúp giảm tiếng ồn tới 25%. Trong khi đó, tháng 8/2013, GS-TS. Serji Amirkhanian (Hoa Kỳ) – một chuyên gia hàng đầu về công nghệ nhựa đường cao su – cũng cho rằng những hiệu quả của nhựa tráng cao su rất đáng chú ý và Việt Nam hoàn toàn có thể được hưởng lợi từ công nghệ này. Tuy vậy, để thực hiện thành công yêu cầu phải tuân thủ quá trình một cách nghiêm ngặt, từ trang thiết bị, lựa chọn nguyên vật liệu cho đến đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các bên liên quan, nếu không mà cứ “nhận quàng” vào người thì cũng chẳng khác gì tự bổ sung mình vào danh sách “bãi tha ma” của thế giới.

Một số hình ảnh về bãi rác lốp xe cũ tại Kuwait:

Theo Sống Mới

Bạn có thể quan tâm