Nhiều trường hợp phải đầu tư hàng chục triệu đồng cho da mặt nhưng tình trạng mụn không thuyên giảm. Ảnh: Self. |
Từ năm 3 đại học, Phạm Vân Hà (26 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) bất ngờ xuất hiện tình trạng mụn dày đặc khắp gương mặt. Mang tâm lý của nữ sinh viên trẻ thời điểm đó, Hà không tránh khỏi sự lo âu và tìm mọi cách để xử lý.
Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra không thuận lợi với Hà. Dù bỏ tới hàng chục triệu đồng cho việc điều trị cũng như các sản phẩm chăm sóc da, gương mặt Hà vẫn không thay đổi, thậm chí tình trạng có lúc tệ hơn.
Đầu tư nhưng không thay đổi được thói quen xấu
Chia sẻ với Zing, Hà cho biết đã trải qua 4 năm nay với gương mặt mụn. Tình trạng này ảnh hưởng lớn tới tâm lý cũng như cuộc sống của cô gái trẻ, nhất là sau khi ra trường, phải tiếp xúc với các môi trường mới ở các công ty Hà ứng tuyển.
“Ngay từ bước phỏng vấn, việc gặp nhà tuyển dụng với gương mặt đầy mụn đã làm giảm độ tự tin của tôi. Sau khi nhận việc, tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập", Hà nói.
Da mặt Vân Hà trước và sau khi nổi mụn. Ảnh: NVCC. |
Theo lời kể, Hà đã nỗ lực tìm cách giải quyết ngay từ thời điểm còn ở trường đại học. Cụ thể, cô sinh viên khi đó đã bắt đầu làm quen với các liệu trình trị mụn gồm khám da, lấy mụn, đốt tiêu viêm, dùng kèm một số loại mỹ phẩm sau điều trị.
Hà tâm sự: “Mỗi liệu trình như vậy thường kéo dài khoảng 1-2 tháng với chi phí khoảng 10 triệu đồng, chưa kể các khoản như thuốc giảm viêm, tiêu viêm, thực phẩm chức năng…”.
Mỗi năm, Hà phải thực hiện khoảng 2-3 liệu trình như vậy. Tuy nhiên, tình trạng mụn vẫn không được điều trị dứt điểm. Sau một thời gian, mụn tiếp tục mọc trở lại.
“Tôi có đi khám từ các bệnh viện công lớn đến phòng khám tư. Tuy nhiên, tôi đều chỉ nhận được các nguyên nhân khá chung chung như ‘mụn nội tiết’ hay ‘mụn do cơ địa' mà không rõ lý do bị dai dẳng không dứt như vậy", cô nói.
Đáng nói, Hà cũng cho biết trước khi tình trạng này xuất hiện, cô thường ngủ rất muộn, khoảng 1-2h vì phải thường xuyên “chạy deadline".
Sau khi mọc mụn không kiểm soát, Hà đã chủ động ngủ sớm hơn, thường là trước 23h. Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ giúp cô giảm quầng thâm mắt, trong khi tình trạng mụn vẫn tiếp diễn.
“Tôi cũng thuộc nhóm ghét ăn rau và lười uống nước hàng ngày. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến tôi bị mụn viêm ở cằm và 2 bên má rất nhiều”, Hà phỏng đoán.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Vũ Ngọc Khánh (nam, 22 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện tình trạng mụn khắp mặt từ đầu năm 2020. Thời gian đầu. Khánh chỉ tự tìm cách điều trị tại nhà với các loại kem bôi trên thị trường. Tuy nhiên, các triệu chứng ngày càng nặng với nhiều ổ viêm thành từng đợt.
Sau đó, nam thanh niên này tìm tới phòng khám của một bác sĩ da liễu để điều trị. Tại đây, Khánh được chỉ định uống thuốc kháng sinh, kết hợp sử dụng một loại dung dịch làm sạch riêng, đồng thời dừng tất cả loại mỹ phẩm trước đó.
“Sau khoảng 4-5 tuần, các ổ viêm không còn và để lại những vết thâm. Tôi được chỉ định sử dụng thêm thuốc uống trị thâm khoảng 2 tuần trước khi dừng và chỉ phải dùng dung dịch làm sạch", Khánh nhớ lại.
Tới mùa hè năm 2021, tình trạng mụn trên mặt lại tái phát. Nam thanh niên này cho biết vẫn duy trì việc sử dụng dung dịch làm sạch, đồng thời kết hợp thêm một số phương pháp khác như bôi nghệ. Tuy nhiên, các ổ viêm xuất hiện ngày càng nhiều.
Tình trạng da mặt Khánh khi bắt đầu xuất hiện mụn (trái) và ở lần tái phát. Ảnh: NVCC. |
Trở lại với bác sĩ da liễu, vẫn dùng các phương pháp tương tự, tuy nhiên tốc độ cải thiện da mặt của Khánh lần này chậm hơn nhiều. Sau khoảng nửa năm, Khánh thay đổi phương pháp chăm sóc da mặt với quá trình gồm nhiều bước như sử dụng sữa rửa mặt, tẩy trang, kem chống nắng, serum B5… Kết quả cũng không thay đổi nhiều.
Đầu năm 2022, Khánh mắc Covid-19 và hồi phục. Tuy nhiên, tình trạng mụn sau đó thậm chí diễn biến nặng hơn. Lúc này, nam thanh niên mới tìm tới spa để nặn mụn và peel da. Kết quả bước đầu khá khả quan khi sau 2 tháng, số lượng mụn giảm đáng kể.
“Nhưng đến mùa hè, mặt tôi lại đâu vào đấy. Lần nặn mụn tiếp theo hiệu quả còn ngắn hơn nên tôi quyết định dừng điều trị và ở nhà tự chăm sóc da. Tôi nghĩ yếu tố thời tiết là nguyên nhân chính khiến tình trạng này cứ bị lại nhiều lần như vậy", Khánh nói.
Toàn bộ hành trình tìm cách điều trị mụn dứt điểm của nam thanh niên này đến nay đã lên tới khoảng 20 triệu đồng.
Chia sẻ về nhịp sinh hoạt, Khánh thừa nhận: “Đợt mới lên mụn, tôi cũng không thấy có vấn đề gì bất thường. Tình trạng này chỉ đột nhiên bùng phát. Nhưng đúng là khoảng 1-2 năm gần đây, tôi thường xuyên ngủ muộn, khoảng 1h. Lượng nước uống hàng ngày có khi cũng chưa đến một lít/ngày".
Những tác nhân gây mụn
Theo tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Trang Thúy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, mụn trứng cá là thuật ngữ y tế để chỉ mụn nhọt. Tình trạng nổi mụn xảy ra khi lỗ chân lông bị bít kín bởi da chết và dầu, đồng thời vi khuẩn tích tụ. Sau đó, da có thể bị viêm và chuyển sang màu đỏ hoặc sưng tấy.
Liên quan tác nhân gây mụn, bác sĩ Đỗ Kim Anh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng chỉ ra vào thời điểm giao mùa, da dễ khô, nứt nẻ và mất nước, dẫn đến một số bệnh lý da liễu.
Ngoài ra, mức độ da bị ảnh hưởng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như cấu tạo di truyền, loại da, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời…
Mặt khác, tình trạng da nổi mẩn đỏ li ti kèm theo ngứa rát sau khi dùng mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc da không phù hợp, kém chất lượng cũng rất thường gặp. Bên cạnh đó, tình trạng mụn mọc bất thường cũng cảnh báo một số bệnh lý về đường tiêu hóa, rối loạn nội tiết…
Theo TS Nguyễn Trang Thúy, để giảm mụn trứng cá, việc đầu tiên chúng ta cần làm là rửa mặt không quá 2 lần một ngày. Trong quá trình rửa mặt, người dân nên sử dụng nước ấm, không nóng, đồng thời tránh dùng xà phòng tẩy mạnh.
Mụn mặt có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân từ mỹ phẩm, môi trường, cơ thể... Ảnh: Healthline. |
“Thay vào đó, mọi người nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng. Không nên tẩy tế bào chết da mặt, vì điều đó có thể khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn và làm tổn thương da”, vị chuyên gia lưu ý.
Mặt khác, chúng ta tuyệt đối không cậy hoặc nặn mụn. Điều này sẽ khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn và làm tổn thương da, đồng thời có thể dẫn đến nhiễm trùng.
TS Thúy cũng khuyến cáo người dân tránh sử dụng các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da có chứa dầu.
Dù vậy, trong trường hợp không rõ tình trạng da và nguyên nhân khiến da nổi mụn, BS Kim Anh vẫn khuyến cáo người dân nên đi khám để có kế hoạch chăm sóc da tốt hơn hoặc được tư vấn lộ trình điều trị cụ thể.
Để có một làn da khỏe, vị chuyên gia lưu ý chúng ta nên ngủ sớm hơn. Sự thay đổi đơn giản này giúp cơ thể đào thải được độc tố ra ngoài.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh tiêu thụ rượu bia hoặc chất kích thích. Những sản phẩm này khiến hệ nội tiết bị ức chế và gây mụn. Đồng thời, việc uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày cũng có tác dụng thanh lọc và hạ nhiệt cho cơ thể.
"Tiêu chí để có làn da đẹp là da phải khỏe", BS Kim Anh nhấn mạnh.
Từ đây, bác sĩ này khuyến cáo mọi người dân nên duy trì thực hiện một số phương pháp gồm:
- Cấp ẩm toàn diện cho da, giảm tình trạng khô da khi chuyển mùa.
- Uống đủ nước giúp cơ thể đào thải độc tố, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bổ sung vitamin cho cơ thể, như: Vitamin B, C từ cam quýt, ớt, cà chua; vitamin E trong đậu nành, ngũ cốc, các loại hạt tăng cường độ ẩm cho da, chống oxy hóa, giảm sự hình thành sắc tố da.
- Dùng nước hoa hồng để làm mát và dịu làn da bị kích ứng, phù hợp với da đang bị mụn trứng cá. Một cách khác là dùng giấm táo để làm sạch da, tiêu diệt nấm, vi khuẩn. Dùng muối biển để chăm sóc da, tẩy da chết hiệu quả, làm sạch lỗ chân lông.
- Mọi người cũng cần lưu ý tuyệt đối không tự nặn mụn tại nhà.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.