“Điều gì sẽ xảy ra khi tôi dislike (không thích) một video trên YouTube?” là một câu hỏi từng được đăng tải trên mạng xã hội Quora. Ngay phía dưới, Anshul Gumber, một YouTuber trả lời: “Chẳng có gì xảy ra cả cho đến khi bạn nhận quá nhiều dislike”.
“Nhưng bao nhiêu là nhiều?”, một câu hỏi khác. “100.000, 200.000 hay 500.000 sẽ được coi là con số có sức ảnh hưởng?". Thắc mắc vẫn chưa có được lời giải đáp ngọn ngành.
MV Cần một lý do những ngày qua gây xôn xao nhạc Việt khi nhận tới 1 triệu dislike, trở thành sản phẩm âm nhạc nhận dislike lớn nhất trong lịch sử Vpop. Nhưng như một nghịch lý, MV cũng có khoảng 10 triệu lượt xem sau 5 ngày và vẫn nằm trong top thịnh hành.
Cần một lý do chỉ là một ví dụ.
MV Cần một lý do của K-ICM nhận 1 triệu dislike sau 3 ngày. |
Dislike lớn nhưng lượt xem cao, lọt top trending
Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP ra mắt năm 2017 là một trong những MV Việt có lượt xem cao nhất, với 220 triệu tính đến hiện tại. Nhưng sản phẩm của giọng ca Thái Bình cũng cán mốc 200.000 dislike, nằm trong danh sách những MV bị “ghét” nhất.
Chúng ta không thuộc về nhau, một MV khác của Sơn Tùng M-TP có tới 300.000 dislike nhưng cũng thu về 170 triệu lượt xem. Trong khi, Chạy ngay đi dù có 230.000 dislike, lượt xem hiện tại cũng lên tới 120 triệu.
Từ hôm nay là một sản phẩm âm nhạc bị đánh giá là thảm họa của Chi Pu. MV có tới 280.000 dislike nhưng lượt xem cũng không hề thấp với 23 triệu và cũng từng lọt top trending.
Trường hợp này cũng tương tự như POM. Sản phẩm của Zero 9 nhận nhiều chỉ trích từ khán giả về chất lượng âm nhạc, giọng hát, trình diễn, nhận về 200.000 dislike nhưng lượt xem cũng lên tới 9 triệu. Con số mà không phải sản phẩm âm nhạc chất lượng nào cũng đạt được.
Ở Việt Nam, theo số liệu công khai, một video có thể nhận được khoảng 0,3 - 0,7 USD/1.000 lượt xem. Do vậy, những MV của Chi Pu hay Zero 9 dù bị ném đá thậm tệ, những lượt xem tăng lên vẫn được cho là đã mang lại nguồn thu không hề nhỏ.
Nhiều MV của Sơn Tùng M-TP có lượt xem cao dù cũng nhận lượng dislike lớn. |
“Chiến dịch tẩy chay” nhưng làm MV… “hot” hơn
H.T là học sinh cấp ba ở TP.HCM. Cô gái 17 tuổi được nghỉ dài ngày sau Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời gian rảnh ở nhà, H.T dành để “cày view cho các video mới của Jack và dislike MV của K-ICM”.
Nữ sinh tự nhận mình fan ruột của Jack và chọn ủng hộ nam ca sĩ trong ồn ào với công ty của K-ICM. Đó là lý do cô tham gia vào việc tẩy chay MV Cần một lý do.
Ngoài việc nhấn dislike, cô còn copy một bình luận được nhiều tài khoản sử dụng để phản ứng với sản phẩm mới của K-ICM: “tuonglamcasi/ ralalamdienvien/ hiphopneverdis/ dislikeneversai".
“Sau khi dislike và bình luận kêu gọi tẩy chay, bạn thấy có tác dụng gì không?”, Zing.vn đặt câu hỏi cho H.T. Nữ sinh cấp 3 thành thật cô chưa thấy hiệu quả gì, ngoài việc MV của K-ICM trở thành sản phẩm nhận dislike cao nhất Vpop.
“Đúng là Cần một lý do vẫn có lượt xem cao và lọt top thịnh hành dù bị không ít tài khoản tẩy chay”, H.T nói.
“Nếu video của bạn nhận được like hoặc dislike bởi ai đó, cũng đồng nghĩa rằng họ đã xem MV đó”, YouTuber Anshul Gumber trả lời thêm, trên mạng xã hội Quora.
Đây là một nghịch lý được nhiều người đồng thuận. Nói với Zing.vn, đại diện một đơn vị truyền thông ở TP.HCM, chuyên hợp tác quảng bá điện ảnh, cho biết tẩy chay một MV nhạc Việt, rất khác với một phim Việt.
Scandal PR bẩn, tình yêu dàn dựng của Kiều Minh Tuấn - An Nguy từng khiến phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con bị tẩy chay dữ dội, sau đó thua lỗ thảm hại. Nhưng lịch sử ở thị trường MV Việt chưa có sản phẩm nào bị gỡ bỏ vì dislike cao hoặc nhiều bình luận trái chiều. Mới chỉ có những MV bị gỡ vì cảnh phản cảm, dung tục hoặc dính bản quyền âm nhạc.
“Dù cùng ở môi trường showbiz, điện ảnh là thị trường mua bán, do vậy, việc bị khán giả tẩy chay rất nguy hiểm. MV thì khác. Muốn dislike một MV thì cũng phải vào xem, muốn bình luận chỉ trích thì cũng phải click vào. MV trên YouTube không phải thị trường mua bán, do vậy, việc tẩy chay không có nhiều tác dụng”, người này so sánh.
Giới truyền thông cho rằng MV là thị trường không có mua - bán, khán giả xem miễn phí, do vậy, do vậy thái độ "dislike" hay tẩy chay không có hiệu quả như phim chiếu rạp. |
Nút dislike hữu ích hay vô dụng?
“Tôi thấy nút dislike thật vô dụng, nó nên được xóa khỏi YouTube”, Nazanin Kavari, một YouTuber có tiếng với kênh riêng hơn 1 triệu tài khoản đăng ký, từng bày tỏ trên trang cá nhân.
Nazanin Kavari không phải thiểu số duy nhất của quan điểm này. Không chỉ những chủ kênh, nhiều người dùng mạng cũng cho rằng nút dislike không có tác dụng gì đáng kể, ngay cả với những music video của giới ca sĩ.
Dù phần lớn các ca sĩ khi giới thiệu MV của mình đều mong chờ những phản hồi tích cực. Nhưng thực tế, ở môi trường mạng, nếu có nhận về lượng dislike lớn, không đồng nghĩa với việc MV sẽ bị ảnh hưởng.
Một ca sĩ giấu tên nói với phóng viên: “Top trending không phải một bảng xếp hạng âm nhạc, và like hay dislike cũng không phải một chỉ số đánh giá. Nhưng nếu nói không quan tâm đến lượng dislike rõ ràng là coi thường khán giả. Không ai dám phát ngôn như vậy. Dù cũng có những MV chất lượng tốt bị dislike cao, ví như Despacito hay Baby, song, lượng dislike vẫn phản ảnh phản ứng của công chúng".
Tuy nhiên, người này cũng khẳng định: “Không thể coi đó là một nút quyền lực, vì thực tế, nó không thể hiện được quyền lực".