Hơn một tháng trôi qua sau bão Yagi (ngày 7/9), ngành du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai) hay Hà Giang... cho thấy tốc độ phục hồi đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ Hạ Long nhận phản hồi tích cực từ thị trường. Trong khi đó, Sa Pa, Hà Giang trở nên đuối sức với loạt homestay vắng khách vào đầu - giữa tuần, mặc cho 2 địa phương này cũng là điểm du lịch nổi tiếng tại miền Bắc và đang vào mùa đẹp nhất trong năm.
Hạ Long thắng thế
Hạ Long như bước ra từ đống hoang tàn, đổ nát khi hàng trăm công trình nhà ở, cơ sở lưu trú, cảnh quan, tàu thuyền... bị bão Yagi tàn phá hôm 8/9. Thế nhưng, địa phương khẳng định sức hút khi đón lượng khách đông đảo chỉ vài ngày khi cơn bão đi qua.
Cụ thể, 2 ngày sau bão, Hạ Long đón hơn 6.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú.
Ngoài ra, ngay trong ngày đầu mở cửa đón khách trở lại (13/9), Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón 82 chuyến tàu du lịch, đưa gần 2.000 khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước châu Âu… tham quan vịnh Hạ Long.
Chỉ tính riêng tháng 9 vừa qua, vịnh Hạ Long đón hơn 139.000 khách, đạt 79,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có trên 88.000 khách nước ngoài, chiếm gần 70,5% tổng số khách và bằng 103,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Sở du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Vách kính cường lực màu đen tại Bảo tàng Quảng Ninh bị hư hại do bão Yagi (ảnh trái) và nhanh chóng được sửa chữa, thay thế (ảnh phải). Ảnh: Việt Linh, Bảo tàng Quảng Ninh. |
Bức tường gần mô hình xương cá voi bên trong Bảo tàng Quảng Ninh bị "xé toạc", bong tróc sau bão (ảnh trái) và được khắc phục nhanh chóng để đón khách trở lại ngày 30/9. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh. |
Bão đến vào tháng 9, nhưng tháng 10 là giai đoạn cao điểm Hạ Long đón khách ngoại. Các đơn vị lữ hành kinh doanh sản phẩm tàu du lịch như Lux Group làm mọi cách khắc phục hậu quả sớm. Đơn vị trên chịu nhiều thiệt hại về tài sản với 2 tàu bị hư hỏng, 2 canô bị chìm do sóng lớn đều được sửa chữa ngày 13/9, kịp phục vụ du khách.
"Duy chỉ còn 2 tàu cao tốc đang bảo trì, hoàn tất bảo hiểm, tháng 11 sẽ đưa vào khai thác", TS du lịch Phạm Hà, CEO Lux Group, chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Các cơ sở lưu trú, ăn uống cũng gấp rút đẩy nhanh tiến độ phục hồi.
Ông Đoàn Quốc Việt, Giám đốc Tuần Châu Resort (TP Hạ Long, Quảng Ninh), cho hay dù thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, song khu nghỉ dưỡng đang nỗ lực khắc phục và bắt đầu đón khách từ ngày 10/10 với số lượng khách tương đối.
"Ngay hôm mở cửa trở lại, chúng tôi đón một đoàn khách lớn với 50 phòng. Những ngày sau tuy lượng khách ít hơn nhưng khá đều", ông Việt cho biết.
Sa Pa, Hà Giang ngóng khách
Ở một diễn biến khác, một số địa phương thuộc khu vực Tây Bắc như Sa Pa, Hà Giang tìm nhiều cách kéo khách, nhưng cảnh đìu hiu vẫn còn đó.
Cùng nằm trong vùng bị bão số 3 quét qua, nhưng nhiều điểm du lịch tại Sa Pa, Hà Giang, Mù Cang Chải... không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ bão. Thời tiết nắng ráo sau bão, các thửa ruộng bậc thang chín vàng, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút tệp khách ưa thích vẻ đẹp hùng vĩ, ngoạn mục. Tuy nhiên, tình hình du lịch tại đây lại rơi vào cảnh "trầm lắng chưa từng có".
Trong tháng 9, không ít du khách hủy tour đến Sa Pa, Mù Cang Chải. Thống kê giai đoạn 8-30/9, Mù Cang Chải có khoảng 35.000 lượt khách hủy tour, 1.500 phòng bị hủy; ước tính giảm thu hơn 40 tỷ đồng từ việc hủy phòng, chi phí cho các dịch vụ ăn uống, mua sắm...
Sa Pa đang vào một trong những mùa đẹp nhất trong năm nhưng vẫn chứng kiến cảnh ế ẩm. Ảnh: @kiim94_, @dangnamtravelblog. |
Theo Giàng A Vềnh, chủ homestay Dream House (thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), trong suốt gần 20 ngày tháng 9 cơ sơ lưu trú "không đón được một vị khách nào". Vềnh cho biết lượng khách trong tháng 9 tại cơ sở giảm đáng kể, chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo doanh thu giảm hơn 70%.
Tại Sa Pa, trong tháng 9, tổng lượt khách đạt 266.061 lượt, thấp hơn so với tháng 8 167.081 lượt; tổng doanh thu giảm khoảng 576 tỷ đồng so với tháng 8.
Nằm cách xa các điểm sạt lở tại Sa Pa hàng chục km, song khu nghỉ dưỡng Sapa Jade Hill Resort & Spa vẫn không tránh khỏi tình trạng vắng khách thời điểm sau bão. Phương Anh, đại diện khu nghỉ dưỡng cho biết: "Thời điểm sau bão lượng khách giảm một chút so với cùng kỳ bởi tâm lý khách lo ngại vấn đề an toàn. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 cho đến hiện tại, lượng khách đã ổn định".
Theo ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang, địa phương đang nỗ lực quảng bá, kích cầu du lịch sau ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.
"Thực tế Hà Giang không chịu ảnh hưởng nhiều của hoàn lưu bão số 3. Tuy nhiên, một số điểm núi đất ở vùng thấp, không phải trung tâm du lịch, bị sạt lở. Điều này khiến du khách lo sợ, cho rằng lên Hà Giang không an toàn. Sau thời gian khắc phục, hiện tại Hà Giang đang trong điều kiện tốt nhất để đón khách", ông Tĩnh nói.
Để du khách hiểu và yên tâm đến Hà Giang, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ đang tích cực thông tin cũng như tung ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, hút khách du lịch. Trong đó có các chương trình hấp dẫn như giảm giá từ 10 - 30% dịch vụ lưu trú hay tung các tour du lịch thưởng trà, du lịch thiện nguyện...
Dễ hiểu
Theo ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Du lịch Việt (đơn vị có 16 năm kinh nghiệm tổ chức tour trong và ngoài nước), việc Sa Pa, Hà Giang có phần thất thế hơn Hạ Long và một số điểm đến Tây Bắc khác không nằm ở vị trí địa lý.
"Nếu xét khía cạnh di chuyển, Sa Pa có lợi thế hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, địa phương vắng khách chủ yếu do tâm lý e ngại sạt lở của du khách. Thêm nữa, Hạ Long là điểm đến 'đinh' ở miền Bắc. Du khách đa phần sẽ ghé địa phương nhờ có vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên của Thế giới", ông Vũ nói.
Còn ông Đoàn Quốc Việt cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến du khách chọn Hạ Long bất chấp điểm đang thiệt hại nặng nề do bão.
Đầu tiên, đáng ghi nhận nhất là công tác khắc phục sau bão do lãnh đạo tỉnh triển khai nhanh chóng kịp thời. Người dân Quảng Ninh đồng lòng, kiên cường cùng nhau vượt qua khó khăn. Minh chứng là ngay khi bão qua, nhân dân toàn tỉnh cùng quân đội ra đường dọn dẹp, xử lý rác, các công trình gãy đổ... Cảnh tượng tang thương, tan hoang trước đó đều được dọn sạch.
Người dân TP Hạ Long chung tay dọn sạch bãi biển Cột 8 (Hòn Gai) vào ngày 12/9, 5 ngày sau bão Yagi. Ảnh: Trang Sò. |
Thứ hai, về mặt du lịch, từ trước đến nay, Hạ Long vẫn là điểm đến thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế.
Cuối cùng, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa khách du lịch quốc tế ở Hạ Long. Họ thường đến trải nghiệm tour ngủ đêm trên vịnh Hạ Long. Các cảnh quan trên bờ thiệt hại, nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến lịch trình tham quan.
Về phía chính quyền địa phương, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch thị xã Sa Pa, cho biết thời điểm hiện tại Sa Pa vắng khách do tháng 10 là thời điểm giao mùa. Địa phương chủ yếu đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, cùng thời điểm năm ngoái, địa phương tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, được du khách quan tâm đông đảo. Do đó, năm nay xã có phần vơi lượng khách nếu so với năm 2023.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.