Cảnh đông đúc hôm 6/10 ở đồi Móng Ngựa, Mù Cang Chải. Ảnh: Bạn Chù. |
Nằm trên ngọn đồi thuộc xã La Pán Tẩn (thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), homestay Dream House hút khách nhờ có mặt tiền nhìn ra thửa ruộng bậc thang. 3 ngày cuối tuần đầu tiên tháng 10, đơn vị ghi nhận công suất buồng phòng gần chạm ngưỡng tối đa.
Giàng A Vềnh, chủ cơ sở lưu trú trên, cho biết tình trạng khả quan xuất hiện từ cuối tháng 9, tức 2 tuần sau bão Yagi.
Tây Bắc đang độ thu, một trong số thời điểm đẹp nhất trong năm, các thửa ruộng bậc thang bừng sắc vàng. Mù Cang Chải và Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là 2 điểm đến được du khách ưa chuộng ngắm lúa chín. Tuy nhiên, lượng khách tại địa phương không đồng đều, đặc biệt là vào cuối tuần. Công suất buồng phòng tại Mù Cang Chải nhỉnh hơn nhiều so với Sa Pa, dù đều chịu thiệt hại từ cơn bão số 3.
Mù Cang Chải đông khách cuối tuần, Sa Pa ảm đạm
Tương tự, homestay A Su Mù Cang Chải đạt 100% tỷ lệ lấp phòng vào thứ bảy và chủ nhật (ngày 5-6/10).
"Đơn vị chúng tôi may mắn không chịu ảnh hưởng từ bão lũ vừa qua. Hiện địa phương cũng đang dần nhộn nhịp trở lại", Thào A Su, chủ homstay, nói với Tri Thức - Znews.
Một số cơ sở lưu trú khác với vị trí đắc địa như view ngắm toàn cảnh ruộng bậc thang, đồi Mâm Xôi hay "săn" mây tại Lào Cai như Sống Lưng Khủng Long, Suối Kim 2 Homestay, Bamboo homestay... đều kín phòng cho thuê vào cuối tuần.
Đến Mù Cang Chải thời điểm lúc chín, du khách tự túc rất khó tìm được phòng trống, tầm nhìn đẹp, nếu không liên hệ đặt từ sớm.
Du khách "check-in" ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải hôm 26/9. Ảnh: @lttt_97. |
Tuy nhiên, khi nhìn lại doanh thu trong cả tháng 9 tại các cơ sở đề cập, con số lại không được như kỳ vọng.
Giàng A Vềnh cho biết lượng khách trong tháng 9 tại cơ sở giảm đáng kể, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo doanh thu giảm hơn 70%. Riêng từ ngày 5-22/9, đơn vị "không đón được một vị khách nào".
Hộ kinh doanh lưu trú của Thào A Su cũng rơi vào tình trạng tương tự. Lượng khách giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Su cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ tâm lý lo sợ khi đi du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc thời điểm địa phương còn chịu ảnh hưởng từ bão.
Theo Sở Du lịch tỉnh Yên Bái, mức độ thiệt hại từ bão Yagi tại huyện Mù Cang Chải nhẹ hơn so với các huyện, thị, thành phố khác. Hoạt động du lịch bị ảnh hưởng lớn nhất là hệ thống giao thông với 187 điểm sạt lở gây ách tắc tại thời điểm bão số 3.
Các cơ sở ăn uống, ngủ nghỉ, điểm tham quan phục vụ du khách trải nghiệm cơ bản đều không bị ảnh hưởng. Hoạt động đón tiếp, phục vụ du khách khi đến với địa phương vẫn diễn ra bình thường.
Trong khi đó, UBND tỉnh Lào Cai nhận định khu vực trung tâm thị xã Sa Pa không hạn chế hoạt động du lịch, nhưng lượng khách sử dụng dịch vụ vẫn thấp.
Trên thực tế, một số khách sạn hay dịch vụ hướng dẫn viên tự do tại Sa Pa chứng kiến lượng khách giảm đáng kể cả trong tháng 9 và tháng 10.
Những homestay với vị trí sát ruộng lúa tại Mù Cang Chải đều kín phòng vào dịp cuối tuần. Ảnh: Giàng A Vềnh. |
Sáng 8/10, đại diện Chapa Ecolodge (tọa lạc trên một vùng đồi) cho biết trước khi bão số 3 ập đến, khu nghỉ dưỡng ghi nhận công suất buồng phòng rơi vào khoảng 50-60%.
Đơn vị kỳ vọng diễn biến sẽ khá khẩm hơn sau bão, nhưng con số này lại vơi thêm 10% khi cơn thịnh nộ của thiên nhiên qua đi và không kín phòng vào cuối tuần như một số khách sạn tại Mù Cang Chải, dù đơn vị sở hữu tầm nhìn trực diện thung lũng Mường Hoa và ruộng bậc thang.
Tại một số cơ sở ở khu vực trung tâm thị xã như Canvas Sapa Legend Hotel, Lacasa Sapa Hotel, Amazing Sapa Hotel, Sapa Centre Hotel..., du khách vẫn có thể túc tắc đặt phòng từ nay đến cuối tháng 10, theo ghi nhận của phóng viên.
Trần Bình (hướng dẫn viên tự do tại Sa Pa) phải chịu cảnh thất thu trong tháng 9. Cô cho biết toàn bộ khách đã đặt trước đó đều liên hệ hủy tour tham quan. "Tôi chỉ dẫn lác đác một lượng nhỏ khách ngoại vào thời điểm này", Bình nói.
Đâu là lý do?
Bên cạnh yếu tố về mặt thời tiết, nguyên nhân dẫn đến việc Sa Pa vắng khách hơn Mù Cang Chải vào mùa lúa chín còn đến từ cơ sở vật chất và vị trí địa lý, theo đại diện một số đơn vị lữ hành chuyên khai thác tour đến Tây Bắc.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội, cho rằng Mù Cang Chải được du khách ưu tiên lựa chọn dựa trên 3 lý do.
Đầu tiên, khoảng cách di chuyển từ Hà Nội đến Sa Pa có phần dễ đi hơn, tuy nhiên quãng đường từ thủ đô lên Mù Cang Chải gần hơn, cộng thêm sức hút từ mùa lúa chín, nên huyện miền núi của Yên Bái hút khách hơn.
Thứ hai, hình ảnh thực tế cảnh quan được cập nhật sớm giúp Mù Cang Chải đạt lợi thế trong việc đón khách du lịch nội địa. Bên cạnh đó, mùa lúa trổ đòng tại đây chỉ diễn ra trong một giai đoạn ngắn nên du khách có nhu cầu "săn" ảnh ruộng bậc thang vàng rực sẽ ưu tiên lựa chọn điểm đến này trong tháng 10.
Thứ ba, ngoài điểm đến tham quan ngắm cảnh, chụp ảnh như đồi Mâm Xôi, Móng Ngựa, bản Nả Háng Tủa, tỉnh Yên Bái sở hữu đa dạng hoạt động vui chơi giải trí như trượt zipline (Tú Lệ), bay dù lượn, thưởng thức cốm nếp Tú Lệ, ngâm mình trong suối khoáng nóng Trạm Tấu...
Nữ du khách nghỉ dưỡng, ăn uống tại bản Tả Van, Sa Pa hồi 26/8. Ảnh: @whereizhanhan. |
Trong khi đó, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Công ty lữ hành Vietluxtour, lại cho rằng tình trạng du lịch bị bão hòa vì bê tông hóa, sản phẩm thiếu sự mới lạ, nguyên bản khiến Sa Pa dần nhạt nhòa trong mắt du khách.
Về góc nhìn từ phía chính quyền địa phương, chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch Sa Pa, cho biết khu vực trung tâm thị xã đang chứng kiến sự phát triển trong những năm gần đây. Việc mọc lên nhiều cơ sở lưu trú góp phần đáp ứng lượng khách đến địa phương.
"Nếu dành thời gian đến với một số điểm du lịch cộng đồng, du khách sẽ nhận thấy mọi thứ ở Sa Pa vẫn khá nguyên bản. Trong thời gian tới, sản phẩm du lịch mới với nét đặc trưng của thị xã sẽ được đưa vào hoạt động, mang đến cho du khách trải nghiệm chỉ có ở Sa Pa", bà Vượng cho hay.
Hơn nữa, hiện nay một nhóm bạn trẻ người dân tộc thiểu số của Sa Pa tự thành lập ra một nhóm Sa Pa Local với slogan "Go Sa Pa - Go Local, think Sa Pa - think local"... mục đích để giới thiệu về những vùng đất, những sản phẩm du lịch vẫn còn rất Bản địa của Sa Pa.
Bà Vượng cho biết thêm Sa Pa đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Song song đó, việc ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, việc khôi phục các điểm du lịch cũng được chính quyền gấp rút triển khai. Đến nay, điểm du lịch trên toàn địa bàn hầu như đã hoạt động trở lại chỉ riêng khu vực Đồi hoa hồng cổ vẫn đang khắc phục sau bão.
Theo phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch Sa Pa, tính đến ngày 16/9, tổng cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ tại thị xã Sa Pa là 1.286. Trong đó, dịch vụ lưu trú có khoảng 756 cơ sở (308 cơ sở homestay, 448 khách sạn, nhà nghỉ) với 8.000 phòng, trên 14.000 giường, đảm bảo sức chứa từ 20.000 - gần 40.000 lượt khách/đêm, tăng 45 cơ sở, 2.000 phòng, so với năm 2022.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.