Tôi lên lịch trình tỉ mỉ để có thể "chạy đua" với hành trình check-in tại 53 sân vận động khắp châu Âu. |
Từ thuở còn là một đứa trẻ, tôi đã mơ ước được đặt chân đến những sân vận động (SVĐ) quốc tế, hòa vào bầu không khí sôi động, vang vọng tiếng hò reo của hàng vạn khán giả. Giấc mơ ấy lớn dần theo năm tháng khi tôi theo dõi những trận cầu đỉnh cao trên tivi.
Lớn lên với niềm đam mê, tôi trở thành một bình luận viên bóng đá. Công việc cho tôi cơ hội đi đây đi đó, đặt chân đến một vài sân bóng tầm cỡ quốc tế. Từ đó tôi nảy ra ý tưởng thực hiện chuyến hành trình xuyên châu Âu, khám phá hàng chục SVĐ nổi tiếng, trải nghiệm sự thú vị của nhiều nền văn hóa thông qua góc nhìn của môn thể thao vua.
Tôi là Hoàng Đức Anh (Hà Nội), một bình luận viên với tình yêu mãnh liệt dành cho quả bóng tròn và những chuyến xê dịch, khám phá thế giới.
Sau 2 sự kiện thể thao lớn là Euro và Olympic Paris 2024, tôi quyết định dành tặng bản thân một món quà đặc biệt đó là chuyến tham quan 53 SVĐ nổi tiếng.
26 ngày, 40.000 km, tôi đặt chân đến 21 quốc gia, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ sự háo hức đến những thử thách với lịch trình dày đặc, tất cả đã tạo nên một hành trình đáng nhớ.
"Cuộc đua" check-in sân vận động
Ban đầu danh sách điểm đến của tôi chỉ gồm 30-40 sân bóng, dần dần con số vượt mốc 50 sân. Với lịch trình dày đặc, tôi liên tục di chuyển giữa các thành phố. Có những ngày, tôi ghé thăm 3-4 sân vận động rồi hối hả di chuyển đến điểm đến tiếp theo.
Hành trình vượt quãng đường 40.000 km trên 8 chuyến bay từ 6 hãng hàng không, 23 chuyến tàu hỏa từ 14 hãng đường sắt cùng một chuyến tàu thuỷ, 7 chuyến xe buýt xuyên quốc gia và đi bộ 213 km. Nhờ tuân thủ tuyệt đối lịch trình, tôi không phải bỏ lỡ chuyến tàu/bay nào.
Đặt chân đến Anh - nơi được xem là cái nôi của bóng đá thế giới, tôi ghé thăm hơn 20 đấu trường trong đó có 3 sân vận động lớn gồm SVĐ Wembley ở London, Old Trafford ở Manchester và Anfield ở Liverpool.
Tôi có dịp tham quan hơn 20 đấu trường hàng đầu ở Vương quốc Anh. |
Phần lớn những sân bóng ở đây mang nét đẹp cổ kính với tuổi đời hơn 100 năm, từng khán đài là một toà nhà riêng biệt sở hữu lối kiến trúc đặc trưng. Mỗi lần diễn ra các đợt cải tạo, trùng tu, các sân thường được nới rộng sức chứa.
Tại Tây Ban Nha, các sân bóng gồm nhiều tầng với mỗi tầng được xây dựng thành một vòng cung khép kín, các sân lớn sẽ có 3 tầng, sân với quy mô nhỏ hơn thì có khoảng 2 tầng.
Trong khi đó, các SVĐ lớn ở Bồ Đào Nha đã được xây mới trước thềm giải Euro 2004 vì vậy kiến trúc và mức độ thẩm mỹ của các sân khá đồng đều, được trang trí với nhiều màu sắc bắt mắt.
Bên cạnh các sân lớn như Allianz Arena ở Munich (Đức), Stade de France ở Paris (Pháp), SVĐ San Siro ở Milan (Italy), Santiago Bernabéu ở Madrid (Tây Ban Nha), tôi còn có dịp ghé thăm sân bóng nằm bên bờ biển tuyệt đẹp ở Monaco. Đứng từ trong sân, tôi có thể vừa xem cầu thủ đá bóng, vừa nhìn ngắm mặt biển thơ mộng qua cánh cổng vòm.
Các đấu trường ở từng quốc gia sở hữu đường lối kiến trúc và màu sắc rất riêng biệt. |
Ghé thăm những SVĐ nổi tiếng, tôi không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, đặc trưng của mỗi quốc gia mà còn có cơ hội hòa mình vào bầu không khí cuồng nhiệt, rực lửa của các trận đấu.
Đặc biệt, trận đấu kinh điển giữa Manchester United gặp Liverpool tại vòng 34 giải Ngoại hạng Anh diễn ra trên sân Old Trafford là kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi. Đây là SVĐ điển hình của bóng đá Anh với khán đài ở sát mặt cỏ, những ghế ngồi đặt sát nhau. Khi thi đấu, cầu thủ có thể nghe rõ tiếng cổ động viên hò hét trên khán đài, tạo thành tiếng vang rất ấn tượng.
Trong khi đó, SVĐ Metropolitano ở Madrid có khán đài và sân bóng được tách biệt bởi đường chạy điền kinh. Vì vậy khán giả sẽ nhìn cầu thủ ở khoảng cách xa hơn, âm thanh tạo ra cũng không vang vọng như các SVĐ kiểu Anh.
Hành trình 26 ngày di chuyển hơn 40.000 km, check-in tại 53 sân bóng đã bào mòn sức lực của tôi, tuy nhiên trải nghiệm thật xứng đáng. |
Là một nhà sáng tạo nội dung, bên cạnh tham quan, ngắm nhìn tôi còn dành thời gian chụp ảnh, quay phim. Tại mỗi địa điểm tôi luôn đặt deadline cho từng công việc, thậm chí lên kế hoạch các góc quay chụp một cách chi tiết nhất. Nhưng cũng có những thời điểm tôi phải đưa ra lựa chọn giữa việc tuân thủ lịch trình hay bỏ bớt điểm đến để tránh bỏ lỡ tàu xe.
Chính lịch trình "nghẹt thở" ấy lại mang đến cho tôi trải nghiệm rất thú vị khi được liên tục khám phá những thứ mới lạ, nay ở SVĐ này, mai ở SVĐ khác, thậm chí sáng ở nước này, chiều ở nước khác với những nền văn hóa đặc sắc, khác biệt.
Hành trình đầy thử thách
Để chuẩn bị cho chuyến đi này, bên cạnh sắp xếp công việc và tài chính, tôi đặc biệt chú trọng rèn luyện sức khỏe bằng cách duy trì chạy bộ 10 km/ngày. Tuy vậy, sự thay đổi thời tiết nhanh chóng cũng mang đến cho tôi không ít thử thách. Cùng là châu Âu nhưng có nơi nhiệt độ rất cao, từ 30-40 độ C, trong khi có những nơi rất lạnh với mức nhiệt dưới 10 độ C.
Chuyến đi gấp gáp và hồi hộp hơn nhiều so với trong tưởng tượng của tôi. Hành trình 26 ngày như một cuộc phiêu lưu đầy phấn khích khi tôi liên tục di chuyển, khám phá những sân vận động hàng đầu thế giới.
Ở Madrid tôi cũng có dịp thưởng thức 2 trận đấu của 2 đội bóng lớn là Real Madrid và Atletico Madrid cùng thi đấu trong một ngày. Để có thể chạy "show", tôi phải sắp xếp lộ trình thật kỹ vì một đội đá vào buổi chiều, một đội đá vào buổi tối ở các sân cách xa nhau.
Tôi còn có dịp hòa mình vào bầu không khí sôi động khi tận mắt thưởng thức những trận cầu nảy lửa trên sân. |
Tuy nhiên, hành trình không phải khi nào cũng suôn sẻ như kế hoạch. Việc di chuyển với cường độ cao đã bào mòn sức lực của tôi.
Trong chặng đường từ Napoli đến Rome (Italy), vì quá mệt sau khi chạy vội cho kịp chuyến tàu khiến tôi lơ là cảnh giác. Lợi dụng khoảnh khắc ấy, những tên trộm đã lấy mất chiếc vali nặng 40 kg chứa đầy quần áo, lương khô, thuốc men và những món quà lưu niệm tôi vừa sưu tầm.
Mỗi lần đối diện với những thử thách trên hành trình, tôi lại tự hỏi liệu mình có thể vượt qua khó khăn này hay không, liệu tôi có nên từ bỏ kế hoạch đã dày công chuẩn bị. Đặc biệt khi bị trộm mất vali, tôi chán nản, không còn kỳ vọng vào hành trình của mình. Tuy vậy, trải nghiệm ấy đồng thời mang đến cho tôi cảm giác tích cực khi không phải gánh gồng với chiếc vali nặng trĩu.
Đi du lịch một mình nhưng tôi không cảm thấy cô đơn vì xung quanh là những người bạn từ khắp thế giới với chung niềm đam mê to lớn dành cho bóng đá.
Tại Bồ Đào Nha, vào ngày cuối tuần diễn ra trận đấu, tất cả người dân đều lũ lượt đổ về ga tàu hướng về SVĐ, vì vậy tôi chỉ cần đi theo đám đông mà không lo bị lạc. Những chuyến tàu giờ cao điểm chật kín. Khi biết tôi vượt hàng chục nghìn km từ châu Á đến đây, các cổ động viên đã nhường cho tôi lên tàu trước để kịp xem trận bóng.
Một lần khác khi đến tham quan SVĐ Artemio Franchi ở Florence, Italy, tôi mới biết nơi đây đang sửa chữa, không được phép lại gần tham quan. Tuy nhiên sau khi nghe qua câu chuyện của tôi, anh bảo vệ đã hỗ trợ tôi vào bên trong tham quan để hành trình trở nên trọn vẹn hơn.
Bên cạnh check-in cùng các sân bóng, tôi còn khám phá các công trình kiến trúc và ẩm thực tại 21 quốc gia. |
Bên cạnh mục tiêu là những sân vận động lớn, tôi còn tranh thủ thời gian khám phá những công trình đặc trưng, những câu chuyện gắn với các thành phố. Đi qua 21 quốc gia, tôi có cơ hội thưởng thức một loạt những món ăn ngon như xúc xích Đức, kebab, pizza và pasta ở Italy, cơm Paella, hải sản và bánh Churros chấm socola của Tây Ban Nha... Tổng chi phí cho chuyến đi 26 ngày khoảng 200 triệu đồng.
Như một con thoi, tôi thoăn thoắt di chuyển trong suốt hành trình vội vã. Đến khi kết thúc chuyến đi tôi mới có thời gian nhớ lại từng khoảnh khắc, từng câu chuyện, từng địa điểm đã qua. Mỗi nơi đều để lại cho tôi những kỷ niệm và sự nhớ nhung nhất định. Tôi đã có cho mình một danh sách điểm đến yêu thích để sớm quay trở lại, khám phá chúng theo một cách chậm rãi và sâu sắc hơn.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.