Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nghịch lý ở quốc gia đào tạo và 'xuất khẩu' y tá cho thế giới

Là nơi đào tạo y tá chất lượng cho nhiều bệnh viện trên khắp thế giới, Philippines lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.

Tinh trang thieu y ta o Philippines anh 1

Xuất hiện trong video ôm và cổ vũ những người vừa khỏi Covid-19, y tá Maria Theresa Cruz trông nổi bật hơn hẳn so với các đồng nghiệp. Sự tương phản của chiếc áo bảo hộ cá nhân (PPE) màu nâu của Cruz với môi trường xung quanh lại là lời nhắc nhở rằng bà đã phải tự mua nó.

"Mẹ tôi chia sẻ những lo lắng và bất bình của mình và đồ bảo hộ không đủ. Thậm chí, ngay cả khi có PPE, bệnh viện cũng phân chia chúng dè dặt", Jolie, con gái của bà Cruz, nói.

Hai tháng sau khi video trên được chia sẻ, Cruz trở thành nạn nhân của virus SARS-CoV-2. Bà đã báo cáo các triệu chứng của mình cho lãnh đạo, nhưng bệnh viện lại chỉ test nhanh 2 lần - phương pháp được xem là không chính xác bằng xét nghiệm tăm bông.

Kết quả của cả hai lần test nhanh đều âm tính. Người phụ nữ 47 tuổi chỉ được xét nghiệm bằng tăm bông khi bị khó thở vào ngày thứ 4 nhập viện. Tuy nhiên, bà qua đời trước khi biết kết quả xét nghiệm.

Tinh trang thieu y ta o Philippines anh 2

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng thiếu y tá tại các bệnh viện ở Philippines. Ảnh: CNA.

Chênh lệch về thu nhập

Y tá đến từ Philippines là cảnh tượng quen thuộc tại các bệnh viện ở Singapore. Trên thực tế, Philippines là nguồn cung cấp y tá hàng đầu thế giới. Gần 2/5 số người vượt qua kỳ kiểm tra điều dưỡng của quốc gia này được ước tính sẽ ra nước ngoài làm việc.

Theo cơ quan tuyển dụng Abba Personnel Services của Philippines, tại Vương quốc Anh, y tá có thể kiếm được từ 1.950 bảng Anh (3.600 USD Singapore) đến 2.250 bảng Anh mỗi tháng. Tại Mỹ, họ có khả năng kiếm được khoảng 4.000-8.000 USD, chưa kể tiền làm thêm giờ.

Trở thành y tá ở Philippines là sự đầu tư về thời gian và tiền bạc. Nhà xã hội học Yasmin Ortiga của Đại học Quản lý Singapore, người đã nghiên cứu về y tá và sự di cư trong 10 năm, cho biết: "Điều dưỡng là một trong những khóa học đắt nhất mà bạn có thể theo học ở Philippines. Họ phải trải qua một kỳ thi hội đồng, có được 2 năm kinh nghiệm trong một bệnh viện ở Philippines. Họ phải trả thêm phí cho kỳ thi ngoại ngữ nếu có kế hoạch làm việc ở một số quốc gia nhất định".

Một y tá có thể mất 5-10 năm để đủ điều kiện làm việc ở nước ngoài. Ước tính có khoảng 13.000 y tá rời Philippines mỗi năm.

Tuy nhiên, Philippines cũng có số lượng y tá bình quân đầu người thấp nhất ở Đông Nam Á. Sự thiếu hụt này cảnh báo hệ thống làm việc thiếu hiệu quả, không đảm bảo cho lực lượng y tá nòng cốt của mình.

Sau 14 năm làm việc tại bệnh viện ở Manila, y tá Pauline Budy chỉ nhận được 630 peso (17 USD Singapore) mỗi ngày, cao hơn 145 peso so với mức lương tối thiểu của thành phố.

Mặc dù mức lương hầu như không đủ trang trải cuộc sống, y tá Budy vẫn cố gắng vì cô cho rằng mình đang làm một việc có ý nghĩa.

"Chúng tôi phục vụ cho những người nghèo nhất trong số người nghèo. Hầu hết thời gian, họ không có tiền để mua thuốc hoặc đi làm. Vì vậy, từ túi tiền của mình, chúng tôi cố gắng san sẻ cho họ, mặc dù chúng tôi cũng thiếu thốn", Budy chia sẻ.

Gần đây, chồng của Budy nghỉ việc và cô phải nhờ chị gái thanh toán hầu hết hóa đơn của gia đình. Để có thêm thu nhập ít ỏi, Budy bắt đầu kinh doanh trực tuyến bán đồ trang sức.

Budy vẫn cố gắng bám trụ trong khi nhiều đồng nghiệp xung quanh cô đã rời Philippines có mức lương gấp 10 lần những gì cô kiếm được.

Tinh trang thieu y ta o Philippines anh 3

Y tá Pauline Budy chia sẻ về công việc y tá suốt 14 năm tại bệnh viện ở Manila. Ảnh: CNA.

Thiếu nhân lực

Một thực tế là các bệnh viện Philippines đang thiếu nhân lực. Theo nghiên cứu quốc gia được công bố vào năm 2018, có tới 3/4 đơn vị công ở địa phương thiếu nhân viên y tế.

Tỷ lệ y tá trên dân số trung bình của Philippines là 1/5.000. Nhưng ở một số khu vực cách biệt về địa lý, tỷ lệ này là 1/20.000. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch Covid-19 tấn công và các y tá mắc bệnh phải cách ly.

Pretchell Tolentino, Giám đốc Văn phòng Phát triển Nguồn nhân lực Y tế của Bộ Y tế Philippines, cho biết: "Nhân lực bị thiếu bởi thời gian cách ly là 14 ngày. Vì vậy, chúng tôi cần bổ sung thêm nhân viên để đối phó. Chúng tôi cần gấp 3 lần con số thông thường".

Những điều kiện mà các y tá phải làm việc trong bối cảnh đại dịch - như PPE bị thiếu hụt - đã gây ra thiệt hại nặng nề.

Tháng 4 năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo về tình hình này, vì khoảng 13% trong số các trường hợp Covid-19 của Philippines là nhân viên y tế, so với mức trung bình của khu vực là 2-3%. Một năm sau, 141 nhân viên y tế ở Philippines đã tử vong khi làm nhiệm vụ, theo thống kê của Bộ Y tế.

Khi bắt đầu đại dịch, Tổng thống Rodrigo Duterte đảm bảo các nhân viên tuyến đầu sẽ được cung cấp mọi thứ mà họ yêu cầu. Nhưng các y tá vẫn tiếp tục làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Trong cuộc thảo luận nhóm tập trung của các y tá từ bệnh viện công ở Manila, một trong số họ chia sẻ về việc phải đeo một chiếc mặt nạ N95 trong suốt 5 ngày.

Một y tá khác cho biết việc thiếu PPE là "gánh nặng lớn nhất". Cô ấy chỉ có thể sử dụng một bộ mỗi ca, có nghĩa là cố gắng không ăn hoặc đi vệ sinh trong 12 giờ để giữ gìn.

Các y tá cho biết một số người trong số họ đã lên mạng xã hội để quyên góp. Những người khác như bà Cruz cuối cùng đã phải tự mua PPE.

Tinh trang thieu y ta o Philippines anh 4

Lương thấp, công việc vất vả là những khó khăn mà y tá ở Philippines phải đối mặt. Ảnh: EPA-EFE.

"Y tá tù nhân"

Để giảm bớt tình trạng thiếu nhân viên, Chính phủ Philippines đã hành động vào tháng 4 năm ngoái khi cấm các y tá làm việc ở nước ngoài.

Hàng nghìn người bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt và buộc Chính phủ phải tổ chức các cuộc họp trực tuyến để giải thích quan điểm của mình. Các y tá thậm chí còn đặt ra một thuật ngữ để nói về mình: Y tá tù nhân.

Sharmaine Banog là một trong số những người bị ảnh hưởng. Cô không thể rời Philippines sau khi trở về vào tháng 7 từ Saudi Arabia, nơi cô đã làm việc trong 4 năm. "Tôi đã có rất nhiều lời đề nghị (ở nước ngoài). Nhưng vì lệnh cấm triển khai, tất cả lời đề nghị đó đều bị loại bỏ", Banog cho biết.

Tuy nhiên, Banog không chấp nhận bất kỳ vị trí tuyển dụng nào trong nước. Mục tiêu của cô vẫn là ra nước ngoài, vì cô phải trả tiền học cho 3 anh chị em. "Trong hai năm làm y tá, tôi không nhận được thù lao xứng đáng. Suốt thời gian dài, chúng tôi đã phục vụ đất nước, mặc dù lương của chúng tôi luôn thiếu hụt", Banog chia sẻ.

Banog không đơn độc. Nhà xã hội họcOrtiga cho biết nhiều y tá "thà bỏ nghề" còn hơn làm việc trong một bệnh viện ở Philippines. Một số người trong số họ đã thực sự bắt đầu tìm kiếm những công việc khác tại trung tâm việc làm.

"Thay vì chỉ ngăn những người đã làm hết thời gian nghỉ việc, Chính phủ nên tập trung vào việc cố gắng thu hút những y tá bỏ nghề quay trở lại với mức lương bình thường, phúc lợi, bảo vệ thích hợp và trả lương rủi ro", Ortiga nói.

Tuy nhiên, lệnh cấm y tá rời khỏi đất nước được xóa bỏ vào tháng 11/2020. Chính phủ cũng đưa ra giới hạn là mỗi năm có 5.000 chuyên gia y tế được phép nghỉ việc. Lần này, Budy muốn trở thành một trong số họ. Cô ấy đang chuẩn bị giấy tờ và hy vọng sẽ đến Anh.

"Tôi cần nghĩ về gia đình và tương lai của các con tôi. Tôi đã nghi ngờ liệu mình có thể cho con đi học bằng tiền lương của mình hay không. Trong nhiều năm, bạn tôi luôn hối thúc tôi rời đi. Tôi ước đã làm theo lời khuyên của họ sớm hơn", Budy chia sẻ.

Tinh trang thieu y ta o Philippines anh 5

Các nhân viên y tế thực hiện nghi thức vỗ tay đoàn kết bên ngoài Bệnh viện Santa Ana ở Manila. Ảnh: Rappler.

Cuộc chiến dài kỳ

Để khuyến khích nhiều nhân viên y tế phục vụ ở tuyến đầu hơn, Chính phủ Philippines đã ký lệnh tăng thu nhập cho họ. Đối với mỗi ngày làm việc trong thời kỳ đại dịch, Chính phủ sẽ trả thêm cho họ 500 peso. Nhưng 8 tháng sau khi lệnh được ký kết, 16.764 nhân viên y tế vẫn chưa nhận được tiền lương rủi ro của họ. Nguyên nhân là thiếu kinh phí.

Lương không phải là vấn đề mới đối với các y tá Philippines. Họ đã đấu tranh để được trả lương cao hơn trong gần 2 thập kỷ.

Theo Đạo luật Điều dưỡng năm 2002, mức lương cơ bản tối thiểu của y tá được chốt ở mức 15 - mức trung bình trong bảng 33 được sử dụng để xác định mức lương của nhân viên chính phủ. Con số này tính ra ở mức 33,575 peso/tháng.

Nhưng trong 18 năm, các y tá cấp dưới vào bệnh viện công với mức lương bậc 11, tức là 21.000 peso/tháng. Lần này, lý do vẫn là thiếu kinh phí.

Vào năm 2019, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết Đạo luật Điều dưỡng phải được thực hiện và các y tá được nhận lương không thấp hơn mức 15. Nhưng việc thi hành luật lại làm dấy lên nhiều phẫn nộ hơn.

Các y tá cao cấp, những người từng mong đợi tăng lương, lại bị hạ bậc nên lương của họ không đổi. Ví dụ, những người giữ vị trí Y tá 2 - với kinh nghiệm 3-4 năm - bị hạ xuống vị trí Y tá 1 ở cấp độ đầu vào.

Mới đây, Bộ Y tế phải cắt giảm 12% số lượng y tá được triển khai trong năm nay, có nghĩa là hợp đồng của 2.319 y tá sẽ không được gia hạn.

Ortiga nhận định: "Điều này gửi thông điệp rằng bạn không thực sự quan trọng hoặc bạn không được coi trọng. Đối với rất nhiều y tá, họ cảm thấy thực sự bị cả bệnh viện và chính phủ coi thường".

Tình trạng thiếu thuốc an thần đe dọa ngành y tế Brazil

Các nhân viên y tế tại một số bệnh viện ở Brazil phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân mà không có thuốc an thần hỗ trợ.

Phương Mai

Nguồn: CNA

Bạn có thể quan tâm