Phương Thúy (23 tuổi, TP.HCM) vẫn thường được bạn bè khen có gương mặt sáng, ưa nhìn nhưng cô lại luôn bị ám ảnh về “chiếc mũi tẹt và góc nghiêng thần thánh” dù trước đó, Thúy đã nhấn mí, tiêm filler môi và điêu khắc chân mày.
Nỗi ám ảnh "mình chưa đủ đẹp"
Vốn đã lưỡng lự về chuyện "dao kéo" thêm lần nữa từ lâu, Thúy tham gia rất nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng xã hội.
Tại những hội nhóm kín có, công khai có, chỉ cần đăng một tấm ảnh về bộ phận bản thân chưa hài lòng lên để xin lời khuyên có nên “trùng tu” hay không, bạn sẽ được hàng trăm thành viên tư vấn nhiệt tình từ cách thức cho đến địa chỉ.
“Dáng mũi như thế này thì xấu thật”, “Tẹt và cánh mũi hơi thô”, “Sóng mũi thấp quá”,... là loạt bình luận từ những người Thúy hoàn toàn không quen biết. Thế nhưng, nó lại như “giọt nước tràn ly” để cô đi đến quyết định dao kéo.
“Ban đầu có đôi chút khó chịu vì bị chê nhưng bị chê nhiều quá thì chắc mình chưa đủ đẹp thật. Dần dần nó lại nhiễm vào đầu và cuối cùng trở thành suy nghĩ của mình khi nào không hay”, 9X thừa nhận.
Những câu chuyện trên chỉ là một số trong hàng trăm, hàng nghìn những người vốn có ngoại hình ổn nhưng lại bị ám ảnh rằng “bản thân mình không đẹp” và xem dao kéo như sở thích.
Theo PGS.TS.BSCKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sở hữu hình thể lý tưởng là ước vọng chính đáng từ muôn đời, ai sinh ra cũng đều mong muốn chuyện đó. Tuy nhiên, xã hội hiện nay vẫn có một số người luôn luôn không hài lòng với hình thể của họ, kể cả khi đã chỉnh sửa.
“Sau khi đã sửa bộ phận này, họ lại phát hiện chỗ khác không hài lòng và tâm lý lại tiếp tục muốn chỉnh sửa. Thậm chí, có người tìm đến “dao kéo” như một sở thích cá nhân. Đây chính là dấu hiệu của những người không bình thường về tâm lý”, bác sĩ Tuấn khẳng định.
Bác sĩ thẩm mỹ nên từ chối phẫu thuật khi không cần thiết
Theo bác sĩ Tuấn, những người muốn can thiệp dao kéo quá mức, không cần thiết thì bác sĩ thẩm mỹ nên từ chối phẫu thuật. Bởi điều đó có thể không đạt được thỏa mãn tâm lý của bệnh nhân mà còn gây nguy hiểm cho họ. Bác sĩ Tuấn cho biết những người luôn ám ảnh nhan sắc và “nghiện” dao kéo cần được tư vấn và điều trị tâm lý.
Những người có sở thích dao kéo làm đẹp thường mắc bệnh tâm lý. Ảnh: Fee.org |
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cũng cho rằng nhiều người có xu hướng tự so sánh ngoại hình của mình với người khác hoặc dễ bị lung lay bởi những lời góp ý, nhận xét. Chính sự tự nhận thức, tự đánh giá không chuẩn này sẽ kéo theo những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí lao vào làm đẹp bất chấp.
Theo bác sĩ Tuấn, những người “nghiện dao kéo” nên được hướng đến các hoạt động lành mạnh, công tác xã hội hoặc công việc để họ tập trung làm việc nhiều hơn là chăm chút đến ngoại hình của mình quá mức.
Đối với người bình thường, không chỉnh sửa, giai đoạn đẹp nhất là khoảng từ 18-35 tuổi tùy vào hoàn cảnh, môi trường sống. Chính vì vậy, không có phương pháp thẩm mỹ nào mang lại nhan sắc trường tồn và tất cả những phương pháp làm đẹp đều có thời hạn.
“Tất cả các phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ đều có thể gây ra những tai biến, biến chứng. Nếu cứ tiếp tục sửa tới, sửa lui, có thể mục tiêu đẹp không đạt được mà còn khiến nhiều người gặp biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
* Tên nhân vật đã được thay đổi