Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Khách 'kêu oan' dù ngồi suốt 25 tiếng ở quán cà phê TP.HCM

Trước định kiến "kêu một ly nước, ngồi cắm rễ cả ngày", nhiều bạn trẻ thường làm việc ở quán cà phê tại TP.HCM "kêu oan". Họ cho biết sẵn sàng gọi thêm món, thuê không gian riêng để không phiền ai.

Hàng dài laptop được đặt trên bàn, dây sạc kéo xuống kín dưới chân ghế, balo chất đầy dưới sàn nhà. Ánh đèn của quán cà phê ở TP Thủ Đức (TP.HCM) vẫn sáng xuyên đêm. Đó là nơi nhóm của Quỳnh Như (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) từng ngồi làm việc liên tục 25 tiếng để kịp hoàn thành một dự án phim tài liệu trên lớp.

“Chúng mình chạy deadline ở quán cà phê vì không ai trong nhóm có không gian riêng, người ở trọ, người ở ký túc xá. Quán cà phê mở xuyên đêm là tiện nhất vì có đầy đủ tiện ích, đồ ăn, nước uống”, Như chia sẻ.

Quán có chính sách phụ thu qua đêm và yêu cầu gọi thêm món nếu khách ở lâu, điều mà nhóm Như tuân thủ nghiêm túc. “Tụi mình không ngồi cả đêm chỉ với một ly nước mà ai cũng chủ động gọi thêm đồ uống, vừa để tỉnh táo, vừa là cách sòng phẳng với quán”, cô khẳng định.

Nhiều người trẻ chọn quán cà phê làm nơi học tập, làm việc vì tiện lợi và có cảm hứng làm việc. Cho rằng định kiến “gọi một ly nước, ngồi cắm rễ cả ngày” khá nặng nề, họ cho rằng mình “sòng phẳng” với quán, sẵn sàng chi thêm tiền mua nước hoặc phí phụ thu để đôi bên cùng thoải mái.

Ngồi cà phê từ 9h đến 16h

Tốt nghiệp năm 2024, Quỳnh Như hiện là freelancer (người làm việc tự do) và vẫn duy trì thói quen làm việc tại quán cà phê như thời sinh viên. Mỗi tháng, cô đi cà phê hơn 10 lần với thời gian ngồi trung bình 4 tiếng/lần.

Về yếu tố chọn quán cà phê, Như cho biết cô không quá quan tâm đến yếu tố trang trí hay đồ uống cầu kỳ. Cô ưu tiên những quán có chính sách minh bạch, rõ ràng đối với khách hàng ngồi lâu.

ca phe lam viec TPHCM anh 1

Quỳnh Như sẵn sàng gọi thêm ly nước thứ hai hoặc trả các chi phí phụ thu cho khách ngồi lâu. Ảnh: NVCC.

“Mình từng đến vài quán có thông báo chính sách ngay từ đầu, ví dụ sau 4 tiếng thì tính phụ thu hoặc gọi món thứ hai. Mình thấy điều này rõ ràng và hợp lý, giúp mình thoải mái hơn khi làm việc”, cô nói.

Theo nữ freelancer, quán cà phê ngày nay không chỉ là nơi uống nước mà còn là không gian làm việc, học tập hoặc trao đổi ý tưởng. Những lần chọn quán để ngồi lâu, Như thường để ý ổ điện, Wi-Fi, không gian và thái độ của nhân viên. Nếu mọi thứ ổn, cô sẵn sàng quay lại nhiều lần và gọi thêm nước trong trường hợp ngồi lâu như một cách “sòng phẳng” với quán.

“Mình cũng hiểu cho góc nhìn của các quán với việc một người ngồi quá lâu mà chỉ gọi một ly nước. Thế nên, nếu quán có chính sách với tệp khách hàng này, mình hoàn toàn ủng hộ. Sự rõ ràng và minh bạch ngay từ đầu sẽ giúp đôi bên thoải mái hơn”, Như nói.

Tại một quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh, TP.HCM), Hoàng Ngân (23 tuổi), sinh viên năm cuối Đại học Tài chính - Marketing, là khách quen.

Một buổi sáng thứ ba khi cô đến, quán gần như kín chỗ. Các bàn lớn đều được đặt trước, trong khi bàn nhỏ đã có người ngồi, phần lớn là các bạn trẻ mang theo laptop học bài hoặc làm việc.

“Mình có khi ngồi cà phê từ 9h đến 16h. Nếu xác định ở lâu, mình sẽ gọi thêm món hoặc mua bánh ngọt của quán để ăn trưa. Nhiều bạn bè mình cũng có thói quen như vậy, không phải ai ngồi lâu cũng chiếm chỗ”, cô nói.

ca phe lam viec TPHCM anh 2

Quán cà phê trên đường Nguyễn Gia Trí kín bàn trong sáng thứ ba. Ảnh: Minh Vũ.

Quán cà phê không phải lựa chọn duy nhất

Với nhiều người trẻ làm việc tự do hoặc theo mô hình hybrid (kết hợp), quán cà phê không còn là lựa chọn duy nhất. Thay vì chen chúc trong quán đông đúc hoặc đối mặt với sự e dè từ nhân viên khi ngồi quá lâu, họ chọn những không gian được thiết kế chuyên biệt để làm việc.

Thu Hà (28 tuổi), làm việc trong ngành marketing, cho biết cô thường chọn các quán cà phê theo mô hình co-working space (không gian làm việc chung) để đảm bảo linh hoạt.

“Khi cần tập trung cao độ, mình sẽ thuê phòng riêng để không bị làm phiền. Còn nếu làm việc nhẹ nhàng hoặc cần trao đổi với người khác, mình ngồi ở khu vực chung của quán vì thoải mái và thuận tiện”, cô chia sẻ.

Mỗi tuần, Hà chi khoảng 500.000 đồng cho việc thuê chỗ ngồi và đồ uống. Dù phòng riêng có giá cao hơn (khoảng 45.000 đồng/giờ), cô cho rằng đây là khoản đầu tư xứng đáng vì hiệu suất công việc được nâng cao và cảm giác dễ chịu khi làm việc.

Khác với những người cần không gian bên ngoài để tìm cảm hứng, Ánh Nguyệt (23 tuổi) lại chuộng làm việc tại nhà. Là nhân viên hybrid cho một ngân hàng quốc tế, cô chỉ cần đến văn phòng 2 ngày/tuần, thời gian còn lại tự sắp xếp công việc ở nhà.

ca phe lam viec TPHCM anh 3

Nhiều quán cà phê có chính sách phụ thu thêm phí với người đến làm việc hoặc yêu cầu khách gọi món thứ hai sau 4 tiếng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Để tạo cảm giác thoải mái, Nguyệt sắp xếp góc làm việc riêng biệt trong căn hộ của mình. Cô đầu tư bàn làm việc chuyên nghiệp, ghế có đệm lưng chống đau mỏi và lắp thêm đèn vàng dịu để giảm mỏi mắt.

“Không gian mình tự setup nên vừa ý hơn rất nhiều. Có hôm làm một mình chán, mình mở ứng dụng giả tiếng quán cà phê cho bớt trống trải”, cô kể.

Tại Việt Nam, làm việc từ xa và mô hình hybrid đang trở thành xu hướng phổ biến. Theo báo cáo của PwC Việt Nam, 82% người được khảo sát tin rằng làm việc từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn ngay cả sau đại dịch Covid-19. Một khảo sát khác cho thấy 62% người lao động Việt Nam ưa thích mô hình làm việc kết hợp giữa văn phòng và từ xa.

Các quán cà phê trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người để làm "văn phòng thứ hai". Không khí tại đây được đánh giá là dễ chịu hơn thư viện, âm thanh nền vừa đủ cũng giúp kích thích sự tập trung, theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu tuyển dụng Albamon (Hàn Quốc).

Xu hướng này khiến các chủ quán buộc phải xem xét lại chiến lược kinh doanh có phục vụ nhóm khách ngồi lâu hay không. Và nếu có, họ sẽ đầu tư gì để giữ chân khách hàng mà vẫn đảm bảo lợi nhuận bền vững.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment với 18 năm kinh nghiệm trong ngành F&B, cho rằng quán cà phê không nhất thiết phải hạn chế khách ngồi lâu, mà nên truyền thông rõ ràng và thiết kế phù hợp để khách tự hiểu không gian đó có dành cho mình hay không.

“Nếu muốn đón nhóm làm việc, quán cần có ổ điện, Wi-Fi ổn định, bàn ghế thoải mái. Còn nếu hướng đến khách ghé nhanh, mọi yếu tố từ thiết kế, truyền thông đến menu đều phải phản ánh điều đó”, ông bày tỏ.

Vụ The Coffee House bịt ổ điện: Làm đúng nhưng chưa khéo

Chuyên gia đánh giá cao việc The Coffee House bịt ổ điện để phân chia khách hàng theo từng loại nhu cầu cụ thể, nhưng cách truyền thông của thương hiệu là điều còn thiếu sót.

Đừng làm việc quá sức

Theo tác giả James Suzman, Đông Á được coi là khu vực đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thực trạng nhân viên làm việc quá sức. Những con số đáng báo động về "văn hóa 996" ở Trung Quốc, hiện tượng "karoshi" (làm việc đến chết) tại Nhật Bản... được đề cập trong cuốn sách Lịch sử việc làm khiến chúng ta phải giật mình.

Đức An - Minh Vũ

Bạn có thể quan tâm