Hiện tại, Việt Nam mở lại nhiều chuyến bay nội địa. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, nếu trên chuyến bay có bệnh nhân mắc Covid-19, toàn bộ hành khách bay cùng có bị coi là tiếp xúc gần (F1) hay không?
Hà Anh (26 tuổi, Hà Nội)
Theo tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều Covid-19 ban hành ngày 6/10, Bộ Y tế đưa ra quy định phân loại trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, tiếp xúc gần F0 (F1).
Theo đó, trường hợp ngồi cùng hàng, trước hoặc sau hai hàng ghế với trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh khi di chuyển trên cùng phương tiện sẽ được xác định là F1.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quy định một số trường hợp khác được xác định là F1 với trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19, bao gồm:
- Tiếp xúc tại các cơ sở y tế, bao gồm: trực tiếp chăm sóc F0; làm việc cùng nhân viên y tế mắc Covid-19; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có F0.
- Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 2 m.
- Sống cùng nhà.
- Cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.
- Cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp...
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết môi trường trên phương tiện công cộng như máy bay, xe bus, tàu hỏa..., là không gian kín và mọi người thường ngồi gần nhau.
Vì vậy CDC khuyến cáo mọi người, dù đã tiêm vaccine hay chưa, đều bắt buộc phải đeo khẩu trang trong toàn bộ hành trình khi di chuyển trên các phương tiện này để giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế đi lại, ngồi nhiều nhất có thể; không nói chuyện; hạn chế ăn uống cùng thời điểm với những người bên cạnh đang ăn. Bạn cần rửa tay bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn sau khi chạm vào các bề mặt và khi đi vệ sinh nếu di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa.
Nguồn: Bộ Y tế; CDC Mỹ.