Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Phát hiện mới về nguy cơ lây nhiễm nCoV khi đi máy bay

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nhật Bản củng cố khuyến cáo hành khách nên sử dụng khẩu trang để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm nCoV.

Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia của Nhật Bản công bố trên tạp chí Influenza and Other Respiratory Viruses (tạm dịch: Cúm và các virus đường hô hấp khác). Họ mô tả sự lây nhiễm nCoV giữa các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay khởi hành ngày 23/3/2020 đến Naha, Nhật Bản.

Chuyến bay có 15 F0

Trong chuyến bay này, một hành khách nam, 30 tuổi, có triệu chứng ho, sốt và không đeo khẩu trang. Chuyến bay kéo dài hai giờ.

Hồ sơ dự án ghi nhận 146 người trên máy bay (không gồm hai phi công) có độ tuổi trung bình là 26, trong đó, nam giới chiếm đa số (50,7%). Trong số này, 14 trường hợp có kết quả dương tính với nCoV, 6 ca nghi mắc với các triệu chứng của bệnh. Không trường hợp nào tiếp xúc gần F0 khác trước khi lên máy bay.

Giải trình tự gene virus của 12/14 hành khách giống F0 chỉ điểm. Chúng đều là chủng B.1.1, được tìm thấy lần đầu ở châu Âu. Điều này khiến nhóm tác giả kết luận 14 hành khách nói trên mắc Covid-19 sau khi đi chung chuyến bay với F0 chỉ điểm.

Ngoài ra, tỷ lệ lây nhiễm thứ phát là 9,7%. Trung bình, ngày khởi phát triệu chứng của những ca bệnh này là 4 ngày sau khi tiếp xúc F0.

nguy co lay nhiem nCoV khi di may bay anh 1

Khẩu trang được xem là vật cần thiết trên mỗi chuyến bay để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nCoV, dù nguy cơ này rất thấp. Ảnh: Mulambuzi.

Hồ sơ nghiên cứu của nhóm cũng ghi lại đặc điểm chuyên cơ là máy bay Boeing 737-800 có 177 ghế hạng phổ thông. Hệ thống lọc khí được trang bị bộ lọc dạng hạt (HEPA) hiệu quả cao, kiểm tra và làm mới vào ngày 15/2/2020. Máy bay bán số vé chiếm 80,2% chỗ ngồi, gồm 141 hành khách, 4 tiếp viên hàng không và hai phi công.

Hành khách có ghế ngồi trước, sau F0 hai hàng đều được theo dõi sát. Ban đầu, 82/141 hành khách được phỏng vấn. Họ nhận thông báo về việc khả năng đã tiếp xúc F0 và yêu cầu tự cách ly tại nhà đến hết ngày 6/4/2020. Toàn bộ tiếp viên hàng không cũng nhận hướng dẫn tương tự.

Ngày 26-29/4/2020, họ được phỏng vấn qua điện thoại, trả lời bảng hỏi về đặc điểm, vị trí ngồi, có sử dụng khẩu trang trong suốt quá trình bay không, có triệu chứng bệnh nào trong 34 ngày sau chuyến bay không. Nhóm tác giả cũng thu thập mẫu xét nghiệm của những người này từ cơ quan y tế địa phương.

Nguy cơ lây nhiễm khi đi máy bay

Theo Medical News, các phân tích dịch tễ học chỉ ra sự lây nhiễm trên máy bay có thể xảy ra thông qua giọt bắn từ đường hô hấp của người mắc. Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm qua giọt bắn rất nhỏ (gọi là giọt bắn li ti hoặc khí dung) lơ lửng trong không khí là rất thấp vì máy bay đã sử dụng hệ thống lọc khí HEPA. Bộ lọc này đạt chuẩn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, có thể lọc tới 99,97% các hạt không khí.

Trước đó, nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Trường Y tế Công cộng Harvard, Mỹ, cũng cho biết khi hệ thống thông gió "hiệu quả cao" theo tiêu chuẩn được chạy liên tục từ thời điểm lên máy bay đến lúc hạ cánh, nguy cơ phơi nhiễm thấp hơn so với các hoạt động như mua sắm tại siêu thị hay ăn uống trong nhà hàng.

Ngoài ra, số liệu từ nghiên cứu của nhóm tác giả Nhật Bản cũng chỉ ra hành khách ngồi gần F0 với khoảng cách dưới hai hàng ghế có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Bằng chứng là cả 14 hành khách đều ngồi gần nguồn lây nhiễm trong phạm vi hai hàng ghế.

nguy co lay nhiem nCoV khi di may bay anh 2

Các chuyên gia khuyến cáo không nên nói chuyện, ăn uống, tiếp xúc gần nhiều người trên chuyến bay để giữ an toàn. Đồ họa: WJS.

Nhóm tác giả phát hiện các hành khách sử dụng khẩu trang có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa lây nhiễm trên chuyến bay. Điều này tương đồng với nghiên cứu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, ngay cả khi máy bay lấp kín hết chỗ ngồi, trung bình chỉ có 0,003% hạt không khí chứa mầm bệnh có thể xâm nhập vào vùng thở của hành khách ngồi và đeo khẩu trang.

Trước đó, nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng chứng minh điều này. Một người đàn ông bay từ Vũ Hán đến Toronto (Canada). Anh ta bị ho khan và sau đó có kết quả dương tính với nCoV. Người này đeo khẩu trang suốt chuyến bay. Kết quả, không hành khách nào đi cùng chuyến bay mắc Covid-19.

Phát hiện từ nhóm chuyên gia Nhật Bản đã gợi ý thêm những cách để giảm nguy cơ lây nhiễm khi đi máy bay. Ngày khởi phát triệu chứng của F0 chỉ điểm là thời điểm phát tán virus cao, tải lượng virus trong các mẫu bệnh phẩm đạt cực đại. Bệnh nhân không đeo khẩu trang suốt chuyến bay mặc dù bị ho nhiều.

Do đó, nhóm tác giả khuyến cáo nếu người dân có vấn đề về hô hấp (ho, sốt, khó thở…) nên cân nhắc di chuyển bằng máy bay. Trong suốt quá trình di chuyển, chúng ta nên đeo khẩu trang vì nó ngăn được hầu hết giọt bắn chứa virus, vi khuẩn phát tán ra bên ngoài môi trường.

Trong cabin, hành khách nên hạn chế tiếp xúc: Giữ khoảng cách 2 m với những người ngoài gia đình, giảm thiểu thời gian ở gần người khác, nên ngồi một chỗ thay vì đi lại, nói chuyện...

Theo các chuyên gia, nguy cơ nhiễm nCoV trên máy bay là tương đối thấp nếu hãng hàng không tuân thủ quy trình an toàn: Bắt buộc đeo khẩu trang, chỉ ngồi 50% số ghế, sàng lọc khách nghi mắc/có triệu chứng trước khi lên máy bay. Đi máy bay là hoạt động tương đối ít rủi ro, song, các chuyên gia vẫn khuyến cáo chúng ta chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết.

Nhật Bản phát triển vaccine chống mọi chủng virus corona

Vaccine mới được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa được mọi biến chủng nCoV và virus corona nói chung.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm