Nép mình trong con hẻm yên tĩnh, mặt bằng tiệm cà phê Missing Garden trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM) chính là căn biệt thự được xây dựng từ khoảng năm 1940. Hiện tại, dù đã được sửa sang, cải tạo những phần xuống cấp, từng góc nhỏ trong căn nhà vẫn in đậm dấu ấn thời gian. |
Biệt thự nằm trên mảnh đất rộng 273 m2, có 2 tầng cùng sân thượng, khu vực sân trước và phần sân sau - vốn là hầm để xe hơi với cổng riêng. Căn nhà thuộc sở hữu của gia đình cố danh họa Lê Bá Đảng. Ông sinh năm 1921 tại Quảng Trị, sang Pháp năm 1939 trong phong trào "lính thợ", sau đó tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Toulouse và trở thành danh họa nổi tiếng châu Âu. |
Đến năm 2015, vì người chủ đã lớn tuổi và không muốn ở trong căn nhà quá rộng nên đã chuyển đi. Cuối năm 2022, chị Hồng Nhung (sinh năm 1993) đã thuê lại, cải tạo một số hạng mục để làm quán cà phê. |
Xung quanh nhà được bao phủ bởi một màu xanh mát của cây cối. Cây hoa giấy cổ thụ ngót nghét bằng tuổi căn nhà, thân xù xì uốn lượn, vươn mình quá sân thượng và nở màu hồng rực. Nó trở thành góc check-in yêu thích của đa số khách tới đây. Những cây lớn ban đầu đều giữ nguyên và cây nhỏ được trồng thêm để tạo cảnh quan. |
Một số người lớn tuổi sinh sống gần đây kể lại khoảng những năm 1950, đây là một nhà hàng kết hợp sàn khiêu vũ, điểm đến của giới thượng lưu Sài thành thời đó. |
Chị Nhung cho biết bất kỳ hạng mục sửa chữa nào cũng đều thông qua sự đồng ý của chủ nhà. “Chủ nhà cho phép chúng tôi cải tạo và nâng cấp một số hạ tầng để phục vụ kinh doanh, nhưng phải giữ được đặc trưng vốn có của căn nhà”, chị Nhung nói. |
Cầu thang uốn lượn khiến người ta liên tưởng đến những nét vẽ mềm mại trong không gian ba chiều, vốn là đặc trưng nghệ thuật của cố danh họa Lê Bá Đảng. |
Lớp gạch lát sàn nhà được giữ lại nguyên bản. Những viên gạch nhỏ cỡ 20x20 cm, mặt nhám. Mỗi tầng một màu khác nhau như xanh cốm, nâu vàng, hồng nhạt... |
Bên cạnh những đồ trang trí mới, trong phòng còn treo 4 bức tranh nguyên bản của họa sĩ Lê Bá Đảng. Những bức tranh được chủ nhà cho quán cà phê mượn để trưng bày. |
Để cải tạo phần nội thất, chị Nhung đã chi hơn 1 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục sơn chống thấm, sơn nội ngoại thất, sửa đường điện nước, bàn ghế, decor trang trí. Các cửa sổ, cửa chính được giữ lại nhưng lắp thêm lớp kính phía trong để có thể sử dụng được máy lạnh. |
Nữ chủ quán ví kiến trúc căn nhà như một “mê cung”, dù không quá rộng nhưng đủ khiến khách ghé thăm lần đầu đi lạc. Cùng với đó là những chi tiết rất đặc trưng mà không căn nhà hiện đại nào có. |
Khu vực tầng thượng rộng và thoáng, chia làm hai phần là bên trong nhà và sân ngoài trời, nền gạch cũ được giữ nguyên. Bể bơi mini bên ngoài đã được đập bớt tường bao để biến thành bồn trồng hoa. |
Căn biệt thự có tới 2 giếng trời lớn, một ở giữa nhà và một ở sân sau để lấy ánh sáng, điều hòa không khí bên trong nhà. |
Chị Nhung nói thêm rằng giữ gìn những gì vốn có của căn nhà cũng chính là tạo dựng điểm nhấn cho cơ sở kinh doanh của mình. “Tôi cố giữ lại những chậu cây cũ, là quà mà bạn bè dành tặng cho cố họa sĩ Lê Bá Đảng", nữ chủ quán cà phê chia sẻ. |
Cuốn sách là ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác. Có thể kể đến những cái tên như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; bài Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt; bài Chúng em là học sinh lớp Một quen thuộc, được hát ở bao trường tiểu học. Ngoài ra, những bài như Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.