Người không đến tòa là "nữ hoàng lục bình" Huỳnh Ngọc Bích. Luật sư của bị cáo này và cán bộ của Liên minh HTX Việt Nam từng tham gia các phiên tòa trước cũng vắng mặt.
"Tôi bệnh không dự được nên thông báo luật sư với những người liên quan đừng đi nhằm tránh tốn kém. Tôi thắc mắc một điều là trong cáo trạng số 66 ngày 3/12 có nội dung nghi can Quách Hồng Quyên khai man chứng từ tạm ứng, thanh toán trên 95,8 triệu đồng nhưng lại được tạm đình chỉ truy nã", bà Bích nói.
Theo nhiều cán bộ được HĐXX xác định tư cách "có liên quan", đây là lần thứ 10 những người này được triệu tập đến tòa nhưng vụ án vẫn chưa xử xong. Mỗi lần bị triệu tập phải ngưng việc cơ quan đi hầu tòa, trong đó có lần xử 4 ngày thì hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
"Tới lui nhiều lần mất thời gian, tốn kém chi phí mà toàn là tự túc. Theo giấy triệu tập mới tống đạt thì ngày 12/1 tới đây tôi tiếp tục ra tòa lần thứ 11 để trả lời HĐXX khi được hỏi những vấn đề liên quan đến các đề án khuyến công địa phương thụ hưởng nhiều năm trước", một cán bộ nói và cho biết đã quá mệt mỏi khi vụ án kéo dài 5 năm nhưng tòa mời không đi không được.
Một cán bộ ghi lại nhật ký những lần ra tòa rồi hoãn xử kéo dài suốt 5 năm qua. |
Trò chuyện cùng phóng viên, bị cáo tại ngoại Nguyễn Thế Vương cho biết năm 2011 HĐXX mời trên 120 người gồm người có liên quan và nhân chứng. Tuy nhiên, lần xét xử này tòa chỉ mời khoảng 50 người với tư cách có liên quan mà không thấy nhân chứng nào.
"Năm 2007 tôi phụ trách dự án may gia công bao bì ở ấp Tập Rèn, xã Thới An Hội của huyện Kế Sách và bị cho là tham ô 240.000 đồng tiền mua nước uống khi giới thiệu mô hình. Chủ cơ sở may và thụ hưởng đề án là vợ nguyên Bí thư huyện (nay là lãnh đạo Ban Nội chính tỉnh Sóc Trăng) nhưng HĐXX không mời bà này ra làm chứng cho tôi", ông Vương nói và cho biết sáng nay có 2 cán bộ Ban Nội chính Sóc Trăng đến tòa nhưng không rõ với tư cách gì.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2006-2007 Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng được giao 39 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Tổng kinh phí được cấp cho những đề án này trên 1,4 tỷ đồng, đến cuối năm 2007 hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỷ.
Kết luận điều tra và cáo trạng xác định quá trình thực hiện các phần việc được giao, nguyên Giám đốc Trung tâm khuyến công là ông Nguyễn Hồng Phi (58 tuổi) phân công cán bộ triển khai nhưng có những đề án chỉ thực hiện một phần, chi không hết tiền. Kế toán Đặng Minh Út báo cáo kinh phí thực hiện thấp hơn dự toán thì Phi chỉ đạo thanh toán đúng với con số được duyệt, hoàn thành 39 đề án vì tiền đã được tạm ứng nhập quỹ cơ quan do chuyên viên Nguyễn Quách Hồng Quyên quản lý dưới sự giám sát của Phi, Út.
Theo cơ quan công tố, để hợp thức hóa việc lấy tiền chia nhau tiêu xài, Út chỉ đạo chuyên viên Nguyễn Thế Vương, Nguyễn Quốc Trung và Quyên lập chứng từ tạm ứng, không có chi trong thực hiện đề án. Theo hướng dẫn của Út, 3 cán bộ của trung tâm tìm đến Huỳnh Văn Bảy (nguyên cán bộ phòng kinh tế huyện Kế Sách) và chủ nhiệm 2 HTX là Trần Tấn Là, Huỳnh Ngọc Bích để thỏa thuận ký kết các hợp đồng dạy nghề nhưng chỉ thực hiện một phần và khai man chứng từ thanh toán.
Cụ thể, chỉ thanh toán đúng 9 đề án được duyệt, khai man 5 lớp dạy nghề; khai man thanh toán một phần của 30 đề án và 25 lớp dạy nghề để chiếm đoạt trên 402 triệu đồng. Trong đó, ông Là (chủ nhiệm HTX Như Ý) được cho là ký tên, đóng dấu của HTX giúp trung tâm khai man chứng từ thanh toán tiền nguyên liệu, đào tạo nghề, thuê dụng cụ gần 121 triệu đồng.
Đối với bà Bích, VKS cho rằng bị can ký hợp đồng mở 6 lớp dạy nghề nhưng chỉ mở 1 lớp ở Vĩnh Châu; 5 lớp còn lại chỉ khai giảng 2 lớp nhưng sau đó không dạy, 3 lớp không thực hiện mà nhận 17,6 triệu đồng.
Liên quan đến Nguyễn Quách Hồng Quyên, cáo trạng mới nhất ghi nghi can này chi cho các đề án trên 176,4 triệu đồng, trong đó khai man chứng từ tạm ứng, thanh toán hơn 95,8 triệu. Hiện Quyên đã bỏ trốn, cơ quan điều tra tách ra thành một vụ án khác và tạm đình chỉ truy nã.