Sau hiệu lệnh một phút mặc niệm, nước mắt chị Oanh bắt đầu tuôn rơi trên đôi gò má. Ngay lúc này, trong đầu chị tràn ngập hình ảnh vị Tổng Bí thư liêm chính, mẫu mực.
Ngậm ngùi đưa tiễn từ xa
Nhìn hình ảnh Lễ tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trình chiếu qua màn hình, chị Trần Thị Thùy Oanh không ngăn được dòng nước mắt. Đôi mắt chị đỏ hoe trong gần 2 giờ diễn ra Lễ tang.
Sáng nay, chị Oanh một mình chạy xe máy 3 giờ từ Vĩnh Long với hy vọng tới được Lễ viếng. Vượt gần trăm cây số, xe đỗ trước Hội trường Thống Nhất khi gần 13h, cũng là lúc các chiến sĩ Công an thông báo ngưng nhận khách viếng để chuẩn bị cho Lễ truy điệu. Cảm giác hụt hẫng pha lẫn đau buồn tràn ngập trong chị. Tuy nhiên, nỗi buồn ấy cũng phần nào vơi đi khi chị được trở thành một trong 400 người tham dự Lễ truy điệu bên trong Hội trường Thống Nhất.
“Trong lúc lễ diễn ra, trong đầu tôi tràn ngập hình ảnh của bác”, chị Oanh nói.
Người phụ nữ gần 30 tuổi tin yêu, quý trọng vị Tổng Bí thư vì sự giản dị từ bữa ăn, đến cách ăn mặc. Nước mắt chị rơi xuống khi kể đến sự liêm khiết, chuẩn mực của Tổng Bí thư viết thư xin việc cho con trai.
Từng lời tuyên thệ đanh thép trong ngày nhậm chức Chủ tịch nước vào năm 2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chị Oanh in hằn trong tâm trí. Thời gian đã chứng minh, những lời tuyên thệ ấy vẫn còn được giữ vẹn nguyên cho đến ngày ông ra đi. Cho đến hôm nay, những lời đanh thép ấy vẫn được chị Oanh nghe đi nghe lại mỗi ngày để tự nhắc nhở bản thân sống đúng mực.
“Bác quá liêm khiết. Đến cuối đời vẫn làm việc mà không ngừng nghỉ một giây phút nào. Thật sự quá biết ơn bác”, chị Oanh ngậm ngùi.
Lập bàn thờ Tổng Bí thư tại nhà
Mặt Trời còn chưa ló dạng, trước cổng Hội trường Thống Nhất, cụ Hiến ngồi chờ đến giờ vào Lễ viếng. Bộ quần áo bà ba dày cùng chiếc nón tai bèo quân đội không đủ giữ ấm cho người phụ nữ 68 tuổi trước cái lạnh của sương sớm.
“Mấy hôm nay ngày nào tôi cũng nhớ bác Trọng lắm. Hôm nay, tôi đến đây sớm để nói lời tạm biệt bác. Nói lời tạm biệt thôi chứ không phải vĩnh biệt vì bác sống mãi trong lòng người Việt Nam”, cụ Trần Thị Kim Hiến mở đầu câu chuyện.
Sau năm 1975, bà Hiến được vận động tham gia khâu tuyên truyền thông tin về Đảng và Nhà nước. Cô gái 18 tuổi lúc ấy được vinh dự đóng góp một phần công sức trong việc mang thông tin về kỳ họp Quốc hội khóa đầu tiên đến với công chúng. Từng tận mắt chứng kiến đất nước qua nhiều biến động lịch sử, bà Hiến luôn biết ơn những giọt mồ hôi, xương máu mà ông cha ta đã đổ xuống để đất nước có được ngày hôm nay.
Bà Hiến được ban tổ chức hỗ trợ di chuyển bằng xe lăn khi vào viếng. |
Hôm nghe tin Tổng Bí thư từ trần, bà lặng người, cố ngăn dòng nước đang trực chờ rơi trên khóe mắt. Căn bệnh suy tim cấp 4 không cho phép người phụ nữ 68 tuổi có những cảm xúc mạnh. Những ngày sau đó, chẳng đêm nào bà có thể yên giấc.
“Mẹ muốn lập bàn thờ cho bác Trọng”, bà Hiến nói với con gái ngay sau khi nhận tin dữ. Ngay hôm sau, cả gia đình đặt hoa, in ảnh của Tổng Bí thư theo ý nguyện của bà. Di ảnh của ông được đặt trang nghiêm trên bàn thờ, ngay cạnh di ảnh của người chồng vừa qua đời năm ngoái của bà Hiến.
Gần cả tuần nay, bàn thờ nhỏ bao giờ cũng nghi ngút khói nhang. Các thành viên của gia đình thay nhau thắp nhang, cầu nguyện cho Tổng Bí thư đến 49 ngày. Sự đau buồn của bà mới phần nào nguôi ngoai.
Nơi thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà bà Hiến tự lập tại nhà. |
“Tổng Bí thư là người vừa có tâm, vừa có tầm, là người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Không chỉ riêng tôi mà tất cả người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước đều hướng về Bác”, bà ưng rưng nói.
Suốt hai ngày diễn ra Lễ tang, ngôi chùa nơi thầy Thích Huệ Đạo đang tu học không ngơi tiếng kinh cầu siêu. Hôm nay, vị sư thầy đến Hội trường Thống Nhất để tham dự Lễ truy điệu. Chọn một chỗ trống ở công viên 30/4, thầy Huệ chăm chú ngồi xem Lễ tang được phát trực tiếp trên điện thoại, miệng vẫn lẩm bẩm đọc kinh.
Gần một tuần nay, thầy Huệ vẫn chưa thể chấp nhận sự ra đi đột ngột của vị lãnh đạo kiệt xuất. Cũng kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, thầy ra vào các trang báo điện tử thường xuyên hơn để cập nhật về Lễ tang. “Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống”, câu nói của Tổng Bí thư được sư thầy xem như kim chỉ nam trong mọi hoạt động, mọi suy nghĩ của bản thân.
“Khi nhận tin, tôi cảm thấy buồn như mất một người thân trong gia đình. Thương người Cộng sản kiên trung, kiệt xuất và nghĩa tình”, sự thầy nói.
Đến Hội trường Thống Nhất lúc 2h để thắp hoa đăng
“Trời mưa rồi, khéo lửa tắt mất”, vừa nói, anh Nguyễn Phúc Duy đưa tay che chắn hai chiếc hoa đăng khỏi cơn mưa rào sáng sớm. Gần như cả đêm, ánh mắt anh Duy chưa bao giờ rời khỏi hai chiếc hoa đăng. Ngọn lửa vẫn giữ được ánh lửa hồng dù đã được thắp khoảng ba tiếng.
Vừa kết thúc công việc, anh Duy vội đến trước Hội trường Thống Nhất thắp hoa đăng. Lúc này, đồng hồ đã điểm 2 giờ. Cơ thể dù đã mệt nhoài nhưng tâm trí vẫn tỉnh táo, nhất nhất hướng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tất cả lòng tin yêu.
Anh Duy thắp đèn hoa đăng để tưởng niệm hương linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Chẳng biết diễn tả lời cảm ơn thế nào với những đóng góp của ông đối với công cuộc phát triển đất nước, anh chọn thắp hoa đăng - một nghi thức của Phật giáo để tưởng niệm hương linh Tổng Bí thư.
Cùng với hàng trăm bạn trẻ khác, anh Duy có mặt từ sáng sớm trong buổi Lễ viếng ngày 26/7 sáng với mong muốn được trực tiếp đưa tiễn Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhìn dòng người đang đổ về Hội trường Thống Nhất, anh Duy không khỏi tự hào vì thế hệ trẻ vẫn giữ được lòng biết ơn đối với những người có công với đất nước.
“Dù đã ở những giây phút cuối đời, bác Trọng vẫn cật lực làm việc. Đây là một tấm gương về sự siêng năng, trách nhiệm cao mà bạn trẻ cần noi theo”, anh Duy tâm sự.
Cách nơi anh Duy ngồi không xa, hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài xanh, ôm trên tay khung ảnh thu hút ánh mắt của những người có mặt. Đó là bà Nguyễn Thị Tuyết và bài thơ bản thân tự sáng tác để đến viếng Tổng Bí thư.
Bà Tuyết là một trong những người đầu tiên vào Lễ viếng sáng 26/7. |
“Bác ơi! Bác đã đi rồi!
Người dân cả nước…
Ngậm ngùi tiếc thương!
Cả cuộc đời
Bác dâng trọn cho quê hương
Cho đất nước đẹp giàu
Sánh cùng năm châu bốn bề
Bác ơi! Bác hãy mỉm cười
Chúng con noi theo gương bác
Sống đời giản đơn
Vì dân vì nước vẹn toàn
Nhớ công ơn bác đời đời khắc ghi!”
Hay tin nhà lãnh đạo mà mình vẫn luôn tôn kính từ trần, bà Tuyết như chết lặng. Ngày cuối cùng của Lễ tang, trời chưa sáng hẳn, bà đã vội vàng bắt xe từ TP Bến Cát (Bình Dương) với bài thơ được viết lúc nửa đêm và tất cả lòng yêu thương.
Từng dòng của bài thơ cũng chính là tâm tư của hàng triệu người dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù không theo bất cứ quy luật nào, bài thơ chính là tất cả cảm xúc mà bà muốn gửi gắm đến vị lãnh đạo.
“Chồng tôi là người rất am hiểu văn thơ nhưng ở bài thơ này, ông không sửa bất cứ điều gì vì đây là những cảm xúc chân thành nhất. Tôi rất biết ơn vì đến những giây phút cuối cùng, Tổng Bí thư vẫn cống hiến cho quê hương, đất nước”, bà Tuyết nói.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...