Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết đơn vị này đã tiếp nhận nam bệnh nhân 28 tuổi bị đột quỵ chuyển đến từ cơ sở y tế tuyến dưới.
Trước đó, sau khi đi làm về, bệnh nhân cảm thấy hơi đau đầu, vào giường nằm nghỉ. Cơn đau đầu ngày càng tăng, anh thiếp đi. Sau 2 giờ, mẹ bệnh nhân vào giường đánh thức con trai dậy nhưng không thấy phản xạ. Gia đình vội đưa con đi cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ, hình ảnh chụp MRI phát hiện vỡ dị dạng mạch máu não. Ê-kíp bác sĩ nhận định tình trạng nguy cấp, nếu để lâu, bệnh nhân có nguy cơ phù não, tăng áp lực của sọ, dẫn tới hôn mê, tử vong.
Điều dưỡng của bệnh viện thăm khám cho nam thanh niên bị đột quỵ. Ảnh: BVCC. |
Chàng trai này đã được các bác sĩ nút khối dị dạng mạch thành công, hiện qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Tuyến, nhiều nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi. Trong đó, dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chảy máu não. Vỡ dị dạng mạch rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, có thể gây đột tử trước khi được đưa đến cơ sở y tế.
Dị dạng mạch máu não có thể bẩm sinh hoặc trải qua nhiều năm dị dạng mới hình thành. Hiện nay, chúng ta có 2 phương pháp khảo sát mạch não là chụp cộng hưởng mạch máu não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não.
Khi chảy máu não do vỡ dị dạng mạch, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức, chỉ sau vài giây. Dấu hiệu thường gặp là đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, có thể rối loạn ý thức, tê, liệt nửa người tùy theo mức độ và vị trí chảy máu não. Tình trạng nặng, bệnh nhân có thể đột tử do phản xạ ngừng tim ngừng thở.
Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Theo bác sĩ Cường, những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi bị đột quỵ não bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, uống rượu bia,...
Từ các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực thể dục thể thao, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thuốc lá, bia rượu… Đó là những điều mà thanh thiếu niên Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.