Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những hiểu biết sai lầm về bệnh đột quỵ

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi, uống An Cung phòng bệnh là những hiểu biết sai lầm có thể làm mất đi cơ hội điều trị và phục hồi cho người bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não. Trong đó, khoảng 5 triệu người tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu trường hợp tử vong.

Theo các bác sĩ, những hiểu biết sai về căn bệnh này cũng khiến người bệnh diễn biến nặng, mất đi cơ hội điều trị.

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi

Nhiều người thường lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra ở độ tuổi “xế chiều”. Tuy nhiên, những năm gần đây, số bệnh nhân ở độ tuổi trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, năm 2019, số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây. Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Theo bác sĩ Cường, những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi bị đột quỵ não bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, uống rượu bia.

Hieu biet sai lam ve benh dot quy anh 1

Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50. Ảnh: Pinterest.

Từ các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực thể dục thể thao, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thuốc lá, bia rượu… Đó là những điều mà thanh thiếu niên Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó…).

Uống An Cung phòng được đột quỵ

Thị trường đang lưu hành loại thuốc được quảng cáo có tác dụng dự phòng và điều trị rất tốt cho bệnh nhân đột quỵ là An Cung Ngưu Hoàng Hoàn (viết tắt là An Cung). Dù giá rất đắt (từ 1-3 triệu đồng/hộp), nhiều người sẵn sàng chi tiền để mua về sử dụng và yên tâm sẽ không mắc đột quỵ.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Minh, Phó khoa phụ trách khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Hà Nội), cho biết: "An Cung không phải là thuốc dự phòng. Đây là thuốc điều trị nhưng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ".

Theo chuyên gia này, đột quỵ có hai thể khác nhau. Một là đột quỵ thiếu máu cục bộ não - chiếm khoảng 85%. Chúng xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch. Thể còn lại là đột quỵ chảy máu não, chiếm khoảng 15%. Trường hợp này xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong hoặc xung quanh não.

Khi đó, An Cung chỉ có tác dụng đối với thể đầu tiên - thể nhồi máu. Riêng thể chảy máu não tuyệt đối không được dùng sản phẩm này, bởi chúng sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn. Nhiều bệnh nhân đã hôn mê, xuất huyết nặng sau khi người nhà cho uống An Cung.

"Việc tự ý mua và cho người nhà đột quỵ dùng thuốc An Cung rất nguy hiểm. Người bệnh muốn dùng thuốc này bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Minh khẳng định.

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), cho hay: "Không có bất kỳ phương pháp nào đề phòng đột quỵ bằng thuốc uống".

Ngoài ra, việc nhiều gia đình tự ý mua và cho người nhà bị tai biến uống An Cung là rất nguy hiểm. Bởi trường hợp người bệnh bị xuất huyết não, thuốc sẽ khiến tình trạng tăng nặng. Đồng thời, khi dùng thuốc, các gia đình thường có ý đợi chờ tác dụng của thuốc mà vô ý làm lỡ cơ hội "giờ vàng" điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ

Nhiều người thường lầm tưởng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ, sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Hieu biet sai lam ve benh dot quy anh 2

Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đến cơ sở y tế, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. Ảnh: Aptekagemini.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đây là suy nghĩ sai lầm. Khi bệnh nhân bị đột quỵ, động tác đầu tiên của chúng ta là đưa họ tới cơ sở y tế có khả năng cấp cứu gần nhất. Các bệnh nhân bị tắc mạch máu não do thuyên tắc có thuật ngữ: "Time is brain" tức "thời gian là tế bào não".

Nếu chúng ta trì hoãn, cứ một phút, các tế bào não có thể chết đến 2 triệu tế bào và không thể phục hồi được. Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đi bệnh viện, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng này, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại, bệnh nhân đến muộn làm giảm khả năng thành công và nguy cơ tử vong cao.

Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng đột quỵ như yếu liệt nửa người cùng bên, méo miệng đột ngột, nói không rõ chữ..., bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Thủ phạm gây đột quỵ ở người trẻ

Theo các bác sĩ, điều đáng tiếc cho những ca đột quỵ ở người trẻ là đến viện muộn. Kết quả, họ mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc.

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm