Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Ảnh: BVCC. |
Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, anh L.S.H. (36 tuổi, ở Thanh Hóa) xuất hiện triệu chứng sốt kéo dài, kèm theo đau mỏi cơ thể, đã tự mua và dùng thuốc hạ sốt tại nhà 10 ngày nhưng không thuyên giảm.
Sau đó, người đàn ông này đến khám tại cơ sở y tế địa phương và được kê đơn thuốc ngoại trú. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, sốt cao liên tục và khó thở ngày càng nghiêm trọng. Ngày 3/11, anh H. được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn.
Tại đây, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục. Kết quả cấy máu xác định vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, tác nhân gây bệnh Whitmore.
Sau 6 ngày điều trị tích cực nhưng không có nhiều cải thiện, nam bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Anh H. được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết do B.pseudomallei, đái tháo đường.
Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân làm nghề máy xúc và có tiền sử đái tháo đường được phát hiện một năm trước nhưng không theo dõi và điều trị thường xuyên.
Tại khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh H. được điều trị bằng kháng sinh phối hợp, kháng nấm và lọc máu liên tục. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, người đàn ông xuất hiện tình trạng tràn khí dưới da ở vùng cổ và ngực. Kết quả chụp X-quang và CT phát hiện khí tràn màng phổi và trung thất, gây chèn ép tim cấp.
Bệnh nhân được phẫu thuật mở khoang trung thất để giải áp nhưng tình trạng suy hô hấp và tuần hoàn vẫn không cải thiện, tiếp tục đặt VV ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) để hỗ trợ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng (bao gồm suy gan, suy thận và suy hô hấp), duy trì vận mạch, lọc máu liên tục.
Hiện tại, bệnh nhân vẫn phải sử dụng VV ECMO và lọc máu liên tục. Ảnh: BVCC. |
Nội soi phế quản phát hiện nhiều dịch mủ và giả mạc bám đầy niêm mạc phế quản, hậu quả nghiêm trọng của vi khuẩn Whitmore gây tổn thương phổi.
ThS.BS Lê Thị Huyền, khoa Hồi sức tích cực, cho biết chức năng tuần hoàn của bệnh nhân đã cải thiện khi không còn cần đến vận mạch, nhưng chức năng phổi rất yếu, cần theo dõi và hỗ trợ tích cực. Tình trạng thận của bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện.
"Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh. Whitmore là bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến âm thầm, thường ở dạng bán cấp với triệu chứng không điển hình như sốt kéo dài. Điều này khiến bệnh nhân khó nhận biết và tiếp cận điều trị sớm", bác sĩ Huyền cho hay.
Bệnh Whitmore hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại nơi bị ô nhiễm. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.
"Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, những người có bệnh nền như đái tháo đường nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước ô nhiễm", bác sĩ Huyền nhấn mạnh.
Trẻ em không phải sinh ra đã khỏe mạnh về cảm xúc, trẻ phải được tôi luyện. Trẻ cần được nuôi dưỡng và dạy bảo các kỹ năng xác định cảm xúc của mình và thể hiện ra theo cách tích cực, từ đó, trẻ có thể kết nối với những người khác theo cách thông minh về cảm xúc.