Bệnh nhân Whitmore bị sưng đau, áp xe tay trái, ổ vi khuẩn vào tận xương. Ảnh: BVCC. |
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viên Bạch Mai, cho biết đơn vị này liên tục tiếp nhận các ca bệnh có đặc điểm chung là sốt, kém ăn, sụt cân, sưng và áp xe một số vị trí trên cơ thể. Kết quả cấy máu cho thấy những bệnh nhân này nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Whitmore xâm nhập vào tận xương
Bệnh nhân T.V.L., 58 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội, vào viện trong tình trạng viêm phổi, áp xe tiền liệt tuyến, trực tràng, kém ăn, sụt cân. Áp xe chính là các ổ nhiễm trùng do vi khuẩn tạo ra.
Người đàn ông cho biết chia sẻ xung quanh khu vực sinh sống cũng từng có trường hợp nhiễm bệnh Whitmore và không qua khỏi.
Một trường hợp khác là P.C.G., 48 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông G. làm ruộng và thợ xây nên hay tiếp xúc với bùn đất.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt, sưng đau, áp xe tay trái, đau nhức trong xương. Trước đó, bệnh nhân từng nhiều lần bị áp xe ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, tái đi tái lại, điều trị tuyến trước không tìm ra nguyên nhân.
Bệnh nhân V.Đ.L., 45 tuổi, ở Trực Ninh, Nam Định, cũng bị sốt cao nhiều ngày, sưng đau mông phải, ho đờm, khó thở, vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng.
Cả 3 bệnh nhân trên đều có bệnh nền đái tháo đường, có người đã và đang điều trị, duy trì tiêm insulin. Có trường hợp sau khi vào viện điều trị sốt, viêm phổi, sưng áp xe phát hiện nền bệnh đái tháo đường. Thậm chí, một bệnh nhân bị Whitmore xâm nhập vào tận xương, gây viêm.
Sau khi xác định rõ nguyên nhân, các bệnh nhân này được sử dụng phác đồ kháng sinh mà Bộ Y tế khuyến cáo. Bác sĩ từ nhiều chuyên khoa đã phối hợp để xử trí các ổ áp xe, kiểm soát đường máu, dinh dưỡng và nâng cao thể trạng cho người bệnh.
Hiện các bệnh nhân cắt sốt, ổ áp xe được xử lý, sức khoẻ cải thiện, ăn uống và đi lại được.
Bệnh có tỷ lệ không qua khỏi cao
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, cho biết Whitmore là bệnh do vi khuẩn có tên Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh có diễn biến đa dạng, phức tạp và dễ bỏ sót. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể không qua khỏi do viêm phổi, nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh Whitmore thường diễn biến cấp tính với các biểu hiện viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp, hệ thần kinh, gan, lách, tuyến tiền liệt, nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn. Bệnh có thể diễn biến mạn tính với biểu hiện viêm phổi như bệnh lao hoặc áp xe nhiều cơ quan như nhiễm khuẩn tụ cầu.
PGS.TS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, thăm khám bệnh nhân Whitmore. Ảnh: BVCC. |
Chúng lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường có chứa vi khuẩn. Đặc biệt là khi có vết trầy xước trên da, nguy cơ lây nhiễm càng cao và bệnh nhanh tiến triển hơn.
"Những người có một hoặc nhiều bệnh nền, nghiện rượu, bệnh phổi, thận, gan mạn tính. Đặc biệt, người bị đái tháo đường có nguy cơ nhiễm bệnh cao, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm, khó lường. Ngoài giai đoạn điều trị tấn công, bệnh nhân cần được điều trị phác đồ duy trì để tránh tái phát", PGS Cường phân tích.
Chuyên gia nhấn mạnh nếu được điều trị đúng và đủ phác đồ, bệnh nhân có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, tỷ lệ không qua khỏi vẫn cao, có thể lên đến 40%.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc Whitmore, PGS.TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo mọi người không nên tiếp xúc trực tiếp với đất nước bẩn, ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, vết trầy xước, chảy máu.
Bên cạnh đó, người dân nên mang dụng cụ bảo hộ lao động khi làm nông để ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân tay. Các nhân viên y tế, bác sĩ cần đảm bảo bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh, để ngăn chặn tối đa sự nhiễm trùng.
"Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành Whitmore. Khi người bệnh bị sốt, có các ổ viêm, áp xe nhiều nơi cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc Whitmore, đặc biệt người có bệnh nền đái tháo đường”, PGS Cường cho hay.
'Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.
Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.