Ngày 20/2, đồn cảnh sát Chikugo (tỉnh Fukuoka, Nhật Bản) đã bắt giữ một nam nhân viên văn phòng 36 tuổi vì bị nghi ngờ có hành vi sai trái với đồng nghiệp nữ, Maichini đưa tin.
Theo đó, người đàn ông này đã tham dự cuộc nhậu của công ty, được tổ chức ở một quán rượu izakaya, Chikugo vào tối 4/2.
Khi nữ đồng nghiệp 27 tuổi đứng dậy để đi lấy đĩa, anh ta đã vươn tay từ phía sau, kéo quần của cô gái xuống.
Theo báo cáo của cảnh sát, có khoảng 10-20 người đàn ông và phụ nữ đã có mặt tại cuộc nhậu.
Người phụ nữ lập tức lên tiếng, tỏ ra bực tức vì hành động của người đàn ông. Tuy nhiên, những đồng nghiệp nam khác đã cười nhạo cô.
Cô gái sau đó đã trốn vào phòng tắm.
"Dù đó là trải nghiệm buồn và đầy xấu hổ, nhưng tôi đã quay lại chỗ ngồi để tránh chuyện phiền phức. Trong khi vẫn còn lo sợ bị trả thù, tôi quyết định báo cáo với cảnh sát bởi hành động của người đàn ông đó là không thể tha thứ", cô gái nói.
Nạn quấy rối là vấn đề nhức nhối tại Nhật Bản. Ảnh: EPA. |
Nạn bạo lực và quấy rối đối với phụ nữ là vấn nạn nhức nhối ở Nhật Bản, phần lớn nạn nhân là nữ giới. Các vụ quấy rối cũng gia tăng sau đại dịch, khi các cuộc nhậu sau giờ làm "hồi sinh".
Trong văn hóa xứ Phù Tang, các cuộc nhậu (nomikai) không đơn thuần là bữa ăn, nó còn là nơi để đồng nghiệp với đồng nghiệp, sếp với nhân viên hay các đối tác trao đổi, gắn kết nhau.
Đó cũng là lý do thuật ngữ "nomunication" ra đời. Từ này là sự kết hợp giữa "nomikai" và "communication" (giao tiếp).
Mục đích của nomikai về cơ bản không xấu. Tuy nhiên, chính mục tiêu được gán vào bữa nhậu khiến nhiều người gặp áp lực không thể thoát ra. Việc từ chối bữa nhậu không khác gì tuyên bố "tự xa rời tập thể".
Mặt khác, theo báo cáo chính thức của chính phủ Nhật Bản vào năm 2019, hơn 1/3 số nữ giới nước này đang đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần cho biết quấy rối tình dục là nguyên nhân chính.
Cuộc khảo sát được Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản thực hiện trên gần 3.000 người mắc các vấn đề về tâm lý trong giai đoạn 2010 - 2017. Có đến 36,3% số phụ nữ tham gia khảo sát thú nhận họ từng bị bắt nạt, quấy rối, tấn công tình dục tại nơi làm việc.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng cam kết trao thêm nhiều quyền hạn và đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ Nhật Bản thông qua các chính sách ưu tiên nữ quyền.
Tuy nhiên, tư tưởng nam giới thống trị vẫn ăn sâu vào văn hóa nước này và tình trạng phụ nữ bị phân biệt đối xử còn tiếp diễn.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.