Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông bị loét cẳng chân sau vết xước nhỏ

Do chủ quan trong sơ cứu, bệnh nhân bị hoại tử toàn bộ phần đùi, cẳng chân dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.

Mới đây, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), tiếp nhận một bệnh nhân nam, 37 tuổi, trong tình trạng suy hô hấp nặng. Trước đó, bệnh nhân làm nông nghiệp và vô tình bị xước một vết nhỏ ở chân. Do chủ quan, bệnh nhân tiếp tục đi làm ruộng những ngày tiếp theo, khiến vết xước thường xuyên phải tiếp xúc bùn đất, nước bẩn.

Sau gần một tuần, vết thương diễn biến nặng dần, dẫn đến viêm toàn bộ cẳng chân, chuyển màu đen. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nhiễm khuẩn huyết, có sốc.

Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, đội ngũ y tế đã điều trị cho bệnh nhân bằng thở máy, lọc máu và sử dụng một số loại kháng sinh mạnh. May mắn, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc.

hoai tu chan tu vet xuoc anh 1

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Quốc Vương.

"Tuy nhiên, tình trạng viêm mô mềm và hoại tử xảy ra trên toàn bộ vùng cẳng chân nên chúng tôi đã phải phối hợp với các bác sĩ tại Viện Bỏng Quốc gia nhằm cắt lọc, loại bỏ tổ chức hoại tử. Nguyên nhân là các tổ chức này có thể giải phóng rất nhiều độc tố vào máu, khiến tình trạng nhiễm trùng trầm trọng hơn", BS Hùng cho biết.

Sau khi cắt lọc, bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ đắp thuốc bên ngoài phần chân bị hoại tử để hồi phục tổ chức da. Hiện bệnh nhân thoát sốc, toàn trạng ổn định và được chuyển sang cơ sở Kim Chung (Hà Nội) để tiếp tục điều trị, chăm sóc vết thương với sự phối hợp của khoa Cấp cứu và khoa Ngoại.

BS Hùng giải thích: "Trong một số trường hợp, phần da bị mất quá lớn, chúng tôi sẽ phải lấy phần da tại bộ phận khác để đắp vào. Bệnh nhân này may mắn đã ổn định nhưng còn một số nguy cơ về di chứng như hạn chế vận động tại vùng cẳng chân bị thương, da không phục hồi tạo ra các ổ loét..., gây phức tạp trong điều trị".

Vị chuyên gia này khuyến cáo người dân khi có các vết thương không nên chủ quan, dù kích thước nhỏ. Trong trường hợp có vết thương ngoài da, mọi người nên giữ sạch, băng bó cẩn thận, thậm chí đi khám nếu vùng tổn thương rộng, sâu.

Ngoài ra, trong những công việc đặc thù, phải tiếp xúc với những nơi chứa nhiều vi khuẩn như làm nông, người dân cần trang bị các vật dụng bảo hộ cũng như vệ sinh cơ thể kỹ ngay sau đó.

Mổ cấp cứu tháo lồng ruột cho bé trai 8 tháng tuổi

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nôn nhiều và đi ngoài ra máu, buộc các bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm