Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân Trần Văn Quang (đã đổi tên, 49 tuổi) vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán là ngộ độc rượu và viêm phổi do trào ngược thức ăn vào phổi.
Khai thác tiền sử cho thấy ông Quang là người nghiện rượu nhiều năm nay. Mỗi ngày, ông uống khoảng 500-600 ml rượu.
Rạng sáng 24/10, ông Quang được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BSCC. |
Ngày 23/10, do uống quá nhiều rượu, ông Quang bất tỉnh, nôn và trào ngược thức ăn vào phổi. Mặc dù các y bác sĩ tại Bệnh viện Phố Nối (Hưng Yên) cấp cứu tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục diễn biến xấu, hôn mê sâu và viêm phổi nặng.
Do tình hình chuyển biến xấu, sáng 24/10, ông được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tại đây, ông Quang được điều trị thải độc, thở máy và dùng kháng sinh mạnh chống viêm phổi. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn cần thêm vài tuần để hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ Ngô Đình Trung, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay trường hợp của ông Quang là một lời cảnh báo về ngộ độc rượu - một tình trạng bệnh nghiêm trọng đòi hỏi các biện pháp cấp cứu khẩn cấp do có nguy cơ thiệt mạng cao.
“Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là trong rượu có chứa hợp chất Ethyl alcohol. Hợp chất này thường có trong các loại đồ uống có cồn, nước súc miệng, sản phẩm chiết xuất dùng trong nấu ăn và một số loại thuốc khác. Khi uống quá nhiều rượu và trong một khoảng thời gian ngắn, chất này có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp, nhịp tim, trường hợp nặng sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong”, bác sĩ Trung nói.
Ngoài ra, chuyên gia khuyến cáo không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém như rượu pha chế từ cồn công nghiệp vì dễ bị ngộ độc nguy hiểm từ các tạp chất khác trong rượu như methanol. Đây là chất cực độc đối với cơ thể, gây ức chế thần kinh, tổn thương mắt, rối loạn chuyển hóa nặng và thiệt mạng nhanh chóng dù chỉ uống một lượng nhỏ.