Bệnh nhân là C.V.Đ., nam, 41 tuổi, trú tại TP Thủ Đức. Bệnh nhân Đ. cho biết 4 tháng trước, khi bơm rửa xe đã bị vòi xịt nước văng trúng vào mắt trái gây đau nhức, nhìn mờ.
Người đàn ông này được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện ở địa phương lân cận. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh đứt chân mống mắt, tăng nhãn áp, xuất huyết tiền phòng sau chấn thương đụng dập (CTĐD).
Mắt của bệnh nhân nhìn mờ, lóa trước khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhân được chỉ định điều trị ngoại trú và có giảm đau nhức nhưng thị lực vẫn chưa cải thiện nhiều.
Do tình trạng kéo dài, người đàn ông này đã đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, qua khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng, kết quả cho thấy bệnh nhân bị đứt chân mống rộng, tăng nhãn áp, đục lệch T3 sau CTĐD.
Theo BSCKII Ngô Văn Hồng, Trưởng khoa Mắt, cho biết CTĐD nhãn cầu là chấn thương do vật tù tác động với lực mạnh và nhanh, thường gặp trong các tai nạn sinh hoạt như khui champange, nắp bia, đứt dây thun, tennis, cầu lông, bị đánh bằng nắm đấm hoặc té ngã… làm ảnh hưởng về mặt chức năng thị giác (giảm thị lực, song thị, chói sáng, sợ ánh sáng, ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ như đa đồng tử, đồng tử lạc chỗ).
Đứt chân mống mắt là tổn thương thường gặp trong CTĐD nhãn cầu, chấn thương nhãn cầu xuyên thấu và các phẫu thuật nội nhãn khác. Theo một số báo cáo của Hội Nhãn khoa Mỹ, đứt chân mống mắt chiếm tỷ lệ 9,3-14% trong CTĐD nhãn cầu và khoảng 39,9% các trường hợp chấn thương mắt nói chung.
Đứt chân mống mắt có thể gây ra các vấn đề về chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân. Các triệu chứng cơ năng như lóa và nhìn đôi, ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ như đa đồng tử, đồng tử lạc chỗ…
Bệnh nhân C.V.Đ. là trường hợp tổn thương nặng, phức tạp, mống mắt bị đứt cuộn dính vào nhau và vào mặt trước thủy tinh thể, kết hợp với đục, bán lệch T3, tăng nhãn áp. Ê-kíp phẫu thuật đã xử trí các tổn thương trong suốt một giờ. Đây được xem là trường hợp tổn thương đứt chân mống mắt do CTĐD nhãn cầu nặng nhất được điều trị thành công tại cơ sở y tế này.