Công việc làm huấn luyện viên thể hình, anh L.Q.H. (29 tuổi, Hà Nội) thường xuyên nhận được câu hỏi từ học viên về việc có nên uống nhiều loại thực phẩm bổ sung để hỗ trợ tập luyện thể thao, giúp sớm đạt kết quả như ý hay không. Trong đó, câu hỏi về vitamin D chiếm tỷ lệ khá lớn.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Đ.Q. (49 tuổi, Phú Thọ) cũng thường xuyên sử dụng các loại vitamin như D, E, C với hy vọng tăng sức đề kháng, làm đẹp da.
"Tôi từng đọc được thông tin uống vitamin D có thể phòng và điều trị ung thư nên rất chăm chỉ sử dụng. Các loại khác có thể quên uống nhưng vitamin D tôi rất nhớ giờ uống. Gia đình có cháu ngoại gần 2 tuổi nên tôi cũng bổ sung thường xuyên cho bé", bà Q. chia sẻ.
Lợi ích từ vitamin D
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California (Mỹ), Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, cho biết vitamin D là dưỡng chất cần thiết để cơ thể khỏe mạnh. Vai trò quan trọng nhất của vitamin D là giúp cơ thể hấp thụ canxi, thành phần chính của xương. Ngoài ra, vitamin D cũng giúp điều chỉnh nhiều chức năng tế bào khác trong cơ thể của bạn, các phản ứng chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh, hỗ trợ miễn dịch...
Cơ thể bạn có thể tạo ra vitamin D khi ánh sáng mặt trời được chiếu trực tiếp vào da. Tuy nhiên, lượng vitamin D mà da của bạn tạo ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời gian trong ngày, mùa, vĩ độ nơi mỗi người sống và sắc tố da. Nếu cơ thể không tạo ra đủ lượng vitamin D cần thiết do các yếu tố ngoại cảnh nêu trên, bạn có thể bổ sung từ một số loại thực phẩm như trứng, tôm, cá hồi, cá thu, cá mòi...
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, lượng vitamin D được khuyến nghị hàng ngày là 400 IU (International Unit, đơn vị quốc tế, khoảng 10 microgram) cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. 600 IU (khoảng 15 microgram) cho người từ một đến 70 tuổi và 800 IU (khoảng 20 microgram) cho người trên 70 tuổi.
Vitamin D là dưỡng chất cần thiết để cơ thể khỏe mạnh. Ảnh: Ciltbakimim. |
"Phơi nắng là một trong những cách tự nhiên để cơ thể tạo ra vitamin D cho chính mình. Tia cực tím B (UVB) có trong ánh nắng của mặt trời tương tác với một protein có tên là 7-DHC (7-dehydrocholesterol) trong da giúp chuyển đổi nó thành vitamin D3, một dạng của vitamin D. Tuy nhiên, các tia cực tím có trong ánh nắng UVA và UVB cũng có tác dụng gây nên đột biến gene. Do vậy, chúng ta phải cẩn thận và hạn chế việc phơi nắng quá mức cần thiết", TS Vũ nói.
Các tài liệu khoa học cho thấy việc phơi nắng toàn bộ cơ thể dưới mặt trời vào giữa ngày trong mùa hè 10-15 phút có thể so sánh với việc uống 15.000 IU vitamin D3. Nếu chỉ phơi nắng qua bàn tay, mặt và cánh tay (chiếm khoảng 15% bề mặt cơ thể) sẽ tạo ra được khoảng 1.000 IU vitamin D3. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, lượng vitamin D mà da của bạn tạo ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời gian trong ngày, mùa, vĩ độ nơi bạn sống và sắc tố da, nên không có một công thức chung về thời gian tắm nắng tối ưu cho tất cả.
"Lời khuyên chung cho việc tắm nắng từ các nguồn thông tin về sức khỏe thường là ít nhất 10-30 phút dưới ánh sáng mặt trời giữa trưa, vài lần mỗi tuần. Bên cạnh đó, bạn không tắm nắng quá lâu, gây cháy da", TS Vũ khuyến cáo.
Vitamin D có khả năng ngăn ngừa và chữa bệnh ung thư?
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, chúng ta chưa có bằng chứng khoa học cho thấy vitamin D có thể chữa bệnh ung thư. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu phát hiện vitamin D có khả năng ngăn ngừa nhiều loại ung thư.
"Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe của xương và hệ miễn dịch. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra vai trò thiết yếu của nó đối với sự tăng trưởng cơ xương, hỗ trợ chức năng tim phổi, ảnh hưởng đến hiệu suất thể thao. Vitamin D cũng có thể tương tác với các mô ngoài xương để điều chỉnh phục hồi chấn thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng", TS Vũ nói.
Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin D cho vận động viên đang bị thiếu hụt chất này giúp làm tăng sức mạnh cơ bắp. Nồng độ vitamin D trong huyết thanh cao hơn có liên quan việc giảm tỷ lệ chấn thương và hoạt động thể thao tốt hơn.
DS Nguyễn Nữ Phương Thảo, quản lý nhà thuốc Safeway, Seattle, Washington, Mỹ, thành viên Ban Khoa học, Ruy Băng Tím, cho biết nhiều loại sản phẩm bổ sung vitamin D thường có kèm theo vitamin K2. Mục đích là để giúp ích cho sức khỏe của xương và tim mạch.
Hiện nay, chúng ta chưa có bằng chứng khoa học cho thấy vitamin D có thể chữa bệnh ung thư. Ảnh: Aqlamhorra. |
Vitamin D kích thích sự sản xuất một số protein thiết yếu cho mô xương và thành mạch. Chính những protein này lại phụ thuộc vào vitamin K, cụ thể là K2. Ngoài ra, vitamin D và K còn có thể giúp điều tiết đường huyết.
Hậu quả khó lường khi lạm dụng
DS Nguyễn Nữ Phương Thảo cho hay lạm dụng vitamin D liều cao (> 50.000 IU mỗi ngày trong vài tháng) có thể dẫn đến ngộ độc. Nếu xảy ra sẽ rất nguy hiểm, tình trạng ngộ độc thường do sử dụng vitamin D liều cao, ít trường hợp từ thực phẩm hay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Hậu quả từ ngộ độc vitamin D là sự tích tụ canxi trong máu, dẫn đến nôn mửa, đau bụng, kiệt sức, rối loạn thần kinh, tiểu tiện thường xuyên một cách bất thường, thiếu nước. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể gây đau xương và những vấn đề với thận như sỏi thận. Người bệnh cũng có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia nhấn mạnh vitamin D rất cần thiết và có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, song nó không phải là thuốc bổ để có thể sử dụng tùy tiện hay dùng nhiều là tốt.
Việc sử dụng vitamin nên tuân thủ chặt chẽ liều lượng theo đơn thuốc của bác sĩ đối với từng trường hợp cụ thể và cần có sự giám sát, theo dõi của nhân viên y tế. Qua đó, chúng ta tránh được nguy cơ ngộ độc hay ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.