Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông phải cắt cụt chi do chủ quan khi đau bắp chân

Xuất hiện triệu chứng đau ở phần bắp chân trong nhiều tháng nhưng do chủ quan, người đàn ông không đi khám và phải nhận hậu quả đáng tiếc.

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chiều 11/7, mới đây, cơ sở y tế này đã tiếp nhận bệnh nhân M.Đ.N. (nam, 65 tuổi, trú tại Nga Sơn, Thanh Hóa) với chẩn đoán thiếu máu không phục hồi cẳng bàn chân trái và được chỉ định cắt cụt đùi.

Qua khai thác, ông có tiền sử đau bắp chân nhiều tháng trước nhưng không đi khám. Hơn một tuần gần đây, tình trạng đau nhiều hơn. Bệnh nhân tự điều trị tại nhà nhưng không cải thiện và phải đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Lúc này, ông có biểu hiện tê bì, đau nhức, tím vùng cẳng bàn chân trái đổ xuống, được chẩn đoán thiếu máu bán cấp cẳng bàn chân bên trái. Các bác sĩ tại đây đã khám và giải thích nguy cơ cắt cụt chi cao trước khi chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

phai cat cut chi do chu quan anh 1

Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám sau khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Sau khi thăm khám và chỉ định cắt cụt đùi, ông N. được phẫu thuật cấp cứu cắt cụt 1/3 giữa đùi trái. Phần chi thể cắt bỏ được chuyển xuống khoa giải phẫu bệnh để làm sinh thiết.

Sau khi ổn định, người bệnh được chuyển tới khoa Phẫu thuật Chi dưới điều trị tiếp. Hàng ngày, ông được điều dưỡng thay băng, theo dõi tình trạng toàn thân và mỏm cụt. Sau 3 ngày, ông N. được chuyển về bệnh viện tuyến tỉnh để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Tuy nhiên, điều đáng nói là người bệnh mới chỉ xuất hiện tê bì, đau, tím lạnh vùng cẳng bàn chân trái một tuần trước khi đến bệnh viện tỉnh. Song vì ông không đến cơ sở y tế kịp thời khi có triệu chứng, từ thiếu máu mạn tính, bệnh đã chuyển thành thiếu máu bán cấp và thiếu máu không hồi phục, khiến người bệnh chịu tổn thương lớn.

Bác sĩ Vũ Trường Thịnh, khoa Phẫu thuật Chi dưới, cho biết: "Nếu trường hợp này để muộn hơn nữa, cẳng bàn chân sẽ hoại tử ướt, gây ra nhiễm trùng, nhiễm độc cho người bệnh và có thể dẫn đến tử vong".

Bác sĩ Thịnh thông tin thêm 6-10 giờ là thời gian vàng để can thiệp kể từ khi người bệnh xuất hiện đau và tê bì ở bắp chân lần đầu. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân nên khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được làm thăm dò sâu hơn nhằm phát hiện bệnh sớm.

Ông cũng khuyến cáo những người có nguy cơ cao như trên 60 tuổi, có bệnh lý nền như rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh, giúp bảo tồn chi thể và tính mạng.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh tay chân miệng

Sốt và đau họng thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tay chân miệng, sau đó là cảm giác chán ăn, mệt mỏi, loét, phát ban trên da.

Sai lầm cha mẹ thường mắc khiến trẻ bị tay chân miệng trầm trọng

Báo cáo từ CDC Hà Nội cho thấy trong 2 tuần vừa qua số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh so với cùng kỳ. Chỉ từ ngày 13-19/6, Hà Nội ghi nhận 135 ca mắc.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm