Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bình Định, Nguyễn Chí Hiếu được bố mẹ cho lên TP.HCM học tại THPT Lê Hồng Phong khi 17 tuổi. Phụ huynh mong muốn con làm quen môi trường thành phố trước khi học đại học.
Từ cậu học trò nhỏ trở thành chuyên gia giáo dục, Nguyễn Chí Hiếu cho rằng đó là những nỗ lực trong việc tự học, biết cách sử dụng thời gian hiệu quả.
TS Nguyễn Chí Hiếu tại một chương trình giáo dục. Ảnh: NVCC. |
Từ 6.0 tới 9.0
Đạt được học bổng đi du học ở Anh vào năm 2002, Nguyễn Chí Hiếu cũng cho đó là một sự may mắn và cơ duyên khi cùng người bạn trong lớp đến dự thi tại một buổi hội thảo. Đăng ký thi cho biết nhưng chính anh lại là người đã đạt được điểm số cao nhất và giành học bổng để du học tại nước Anh.
Để được nhận vào trường đại học ở xứ sở sương mù, thí sinh phải đạt chứng chỉ IELTS và không kỹ năng nào dưới điểm số 7.0. Sau khi hoàn thành bậc học A-level (Chương trình dự bị đại học), Nguyễn Chí Hiếu đăng ký thi nhưng kỹ năng viết chỉ đạt 6.0.
Từ đó, Chí Hiếu dành thời gian để tự tìm hiểu kỹ về cấu trúc bài thi IELTS. Anh cũng xin lời khuyên và gợi ý của thầy cô để tìm ra những hạn chế mình đang mắc phải như: Từ vựng chưa đa dạng, cách diễn đạt chưa rõ ý, thiếu sáng tạo...
Bài thi viết IELTS do Nguyễn Chí Hiếu nhớ và viết lại. |
Sau 6 tháng tự học, Nguyễn Chí Hiếu đăng ký thi IELTS vào giữa năm 2003 và đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Chỉ muốn đạt đủ điều kiện các kỹ năng IELTS trên 7.0, anh bất ngờ khi mình đạt được số điểm 9.0 cho bài thi viết.
Kết quả trên đã giúp Chí Hiếu tiếp tục nhận được nhiều học bổng ở các bậc học cao hơn tại trường Cambridge Tutors College (Anh). Năm 2004, Nguyễn Chí Hiếu được tuyên dương là sinh viên xuất sắc tại Học viện Kinh tế và chính trị London; có tên trong danh sách 100 sinh viên xuất sắc trên thế giới năm 2006.
Chia sẻ về bí quyết đạt điểm số ấn tượng trong bài thi viết IELTS, Chí Hiếu nói: “Thời đó, mạng Internet còn khá hạn chế, nguồn học liệu về IELTS không nhiều. Thế nên, những tài liệu mình thu thập được chủ yếu là sách, báo có sẵn".
Nguyễn Chí Hiếu thường sưu tầm các tạp chí trong thư viện hay tìm các bài báo nổi tiếng của Anh. Bước sau đó, mình sẽ tóm tắt lại các bài báo, ghi lại những ý tưởng hay. Mình cũng học được từ tác giả cách sử dụng từ cũng như lối lập luận của họ" - Nguyễn Chí Hiếu nói.
Quan trọng nhất, bản thân phải dành thời gian để viết. Anh thường luyện viết vào mỗi cuối tuần và sử dụng những ngữ liệu sưu tầm được để chuyển hóa bài viết thành của mình. Quá trình này cần diễn ra thường xuyên nhất có thể.
Ngoài ra, Chí Hiếu cũng dành thời gian để luyện nghe thông qua các chương trình truyền hình, phim ảnh. Anh cũng nâng cao kỹ năng nói nhờ việc đi làm thêm và cố gắng tạo cho mình thói quen giao tiếp với những người bản xứ.
Trở về Việt Nam vì giáo dục
Sau khi hoàn thành chương trình học tiến sĩ tại Mỹ, Nguyễn Chí Hiếu trở về Việt Nam năm 2015, làm công việc phát triển hệ thống trung tâm tiếng Anh. Vì chưa hài lòng với mô hình giáo dục hiện tại, anh đã dành thêm 1 năm học MBA tại Đại học Oxford (Anh) để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm.
Năm 2016, anh trở lại Việt Nam với mục đích muốn tập trung phát triển nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục. Mục tiêu của anh là tiếp tục công việc tư vấn, quản lý và phát triển các hệ thống trường học, tổ chức giáo dục trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, chuyên gia giáo dục này chia sẻ: “Tôi muốn mình góp một phần nhỏ trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng của các thầy cô giáo. Bằng việc phát triển những nguồn tài nguyên, tài liệu, tôi mong muốn người làm giáo dục chúng ta có thể nâng cao năng lực chuyên môn. Nhiều thế hệ học sinh ở khắp nơi trên cả nước sẽ được tiếp cận với những bài học, kiến thức đắt giá".
TS Nguyễn Chí Hiếu mong muốn thời gian tới tiếp tục tác động tới nhận thức của cha mẹ, học sinh, giáo viên về những cách làm mới, sáng tạo hơn trong giáo dục. Thông qua các buổi chia sẻ trong hội thảo hay liên tục xuất bản những đầu sách, anh muốn mình sẽ tạo nên một cộng đồng chung tay vì sự phát triển của giáo dục Việt Nam.
TS Nguyễn Chí Hiếu đoạt học bổng toàn phần A-level của trường Cambridge Tutors College (Anh) năm 2002. Anh từng được chọn là Sinh viên xuất sắc tại Học viện Kinh tế và chính trị London năm 2004, top 100 sinh viên xuất sắc trên thế giới năm 2006.
Chuyên gia này cũng có 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại Đại học Stanford; thủ khoa chương trình MBA - Đại học Oxford năm 2016.
Năm 2016, anh trở về Việt Nam, làm giám đốc điều hành Học viện phát triển tư duy và kỹ năng IEG. Anh cũng là người ít tuổi nhất của Chương trình Eisenhower Fellowship năm 2018.