Theo Eurek Alert, các nhà khoa học tại Imugene Limited và City of Hope (Mỹ) vừa đánh dấu bước tiến quan trọng trong công cuộc điều trị ung thư. Họ đã tiêm cho người đầu tiên loại virus diệt ung thư mới.
Loại virus này được gọi là CF33-hNIS Vaxinia, đã thành công khi thử nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng trên người mới bắt đầu vào giữa tháng 5.
Một số người tham gia nghiên cứu sẽ nhận được virus oncolytic thử nghiệm kết hợp với liệu pháp miễn dịch pembrolizumab. Đây là kháng thể được thiết kế để cải thiện hệ thống miễn dịch trong chống lại tế bào ung thư. Nghiên cứu gồm 100 bệnh nhân ở 10 địa điểm tại Mỹ, Australia.
“Nghiên cứu trước đây của chúng tôi đã chứng minh virus gây ung thư có thể kích thích hệ thống miễn dịch đáp ứng và tiêu diệt ung thư, phản ứng nhanh hơn với các liệu pháp miễn dịch khác. Chúng tôi tin CF33-hNIS có tiềm năng cải thiện kết quả của người bệnh trong cuộc chiến với ung thư", ông Daneng Li, khoa Nghiên cứu Ung thư & Trị liệu Y tế của City of Hope, điều tra viên chính, khẳng định.
Thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ tiêm liều thấp CF33-hNIS cho bệnh nhân ung thư có khối u rắn di căn hoặc tiến triển, những người đã có ít nhất hai lần điều trị tiêu chuẩn trước đó. Họ sẽ được điều trị dưới dạng tiêm trực tiếp vào khối u hoặc tiêm vào tĩnh mạch.
Nghe đến virus, nhiều người lập tức nghĩ đó là điều gì tồi tệ. Nhưng loại virus mà nhóm chuyên gia Mỹ sử dụng có thể tiêu diệt các tế bào ung thư, mang lại lợi ích cho con người. Họ kỳ vọng virus sẽ khuếch đại phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư.
Bản thân virus cũng được thiết kế đặc hiệu để tái tạo bên trong tế bào ung thư, sau đó tiêu diệt chúng mà không gây hại cho các tế bào bình thường xung quanh. Trong thử nghiệm trên động vật và tiền lâm sàng, nhóm tác giả đã nhận thấy kết quả rất hứa hẹn khi chứng minh khả năng thu nhỏ khối u ung thư ruột, phổi, vú, buồng trứng, tuyến tụy.
Những loại virus như vậy đã được kỳ vọng là “khẩu súng mới” trong cuộc chiến chống ung thư hơn một thế kỷ qua. Tuy nhiên, thành công của những loại virus này rất hạn chế.
Riêng lần này, các nhà khoa học đã chế tạo ra loại virus tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại cho tế bào lành tính, giúp tế bào miễn dịch dễ nhận ra “kẻ thù”. Các nhà nghiên cứu hy vọng điều này sẽ giúp phản ứng của cơ thể mạnh mẽ hơn, cho phép hệ miễn dịch chống trả tốt hơn.
Dù vậy, thử nghiệm trên động vật thành công không phải lúc nào cũng sẽ có kết quả tương tự ở người. Thử nghiệm lâm sàng dự kiến kéo dài hai năm. Mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn và tìm ra liều lượng thích hợp cho người bệnh.