Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đi làm chi 17 triệu đồng học ngoại ngữ để bớt tự ti

Quyết định đi học ngoại ngữ được Nguyễn Thị Xuân (Hà Nội) đưa ra sau nhiều lần bị sếp mắng vì không hiểu.

Nguyễn Thị Xuân (24 tuổi, Hà Nội) là nhân viên hành chính tổng hợp cho một công ty Trung Quốc ở khu công nghiệp. Cô chủ yếu làm bên mảng thu mua vật tư và xử lý các yêu cầu theo chỉ đạo của cấp trên. Trong công việc, Xuân chủ yếu giao tiếp với người Trung ở các bộ phận khác nhau.

“Trước đây, mình từng nhiều lần bị sếp mắng vì nói mãi không hiểu. Vốn từ vựng ít, nhiều khi, mình không thể trả lời lại được dù đã hiểu nghĩa”, Xuân chia sẻ với Zing về lý do dành 17 triệu đồng để theo học 3 khóa tiếng Trung trong một năm.

Nguoi di lam chi 17 trieu dong hoc ngoai ngu anh 1
Nguyễn Thị Xuân tận dụng thời gian ngoài giờ làm để học thêm tiếng Trung Quốc. Ảnh: NVCC.

Tự ti khi vừa giao tiếp vừa tra từ

Nguyễn Thị Xuân từng học tiếng Trung ở trường. Nhưng do không sử dụng thường xuyên, cô quên mất nhiều từ vựng và kiến thức ngữ pháp. Trong khi đó, công việc đòi hỏi nhiều đến ngoại ngữ.

Vì thế, dù bận rộn, Xuân vẫn quyết định tham gia khoá học tiếng Trung dành cho người đi làm để nâng cao vốn từ vựng và kỹ năng giao tiếp.

Bích Ngọc (25 tuổi, từ Hải Phòng) cũng gặp khó khăn với vốn tiếng Anh hạn chế trong khi công việc yêu cầu ngoại ngữ.

Là nhân viên ngân hàng thuộc một chi nhánh tại Hà Nội, Ngọc thường làm hồ sơ cho khách hàng cá nhân và quản lý các khách hàng. Trước đây, với khả năng dịch ngoại ngữ còn hạn chế, cô phải dịch từng từ trong một câu mà không để ý đến từ loại, ngữ pháp hay cấu trúc. Ngọc cũng khó hiểu hết nghĩa do không nắm được từ vựng.

Cô mất nhiều thời gian để tra từ khi làm công việc liên quan đến chuyển tiền quốc tế, thư tín dụng.

Thậm chí, lúc mới đi làm, khi giao tiếp với khách hàng nước ngoài, Bích Ngọc phải sử dụng điện thoại để tra từ. Điều này khiến khách hàng khó chịu vì phải chờ đợi quá lâu.

Mất điểm trước khách hàng và sếp, Bích Ngọc quyết định tìm khóa luyện thi TOEIC để trau dồi ngoại ngữ.

“Khoá học của mình dành cho người bắt đầu, chi phí gần 4 triệu đồng. Học viên trải qua 2 khóa học, mỗi khóa kéo dài khoảng 2 tháng với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết”, Ngọc chia sẻ.

Học thêm dưới áp lực công việc

Việc học ngoại ngữ khi đã đi làm không dễ dàng. Nguyễn Thị Xuân cho biết tần suất làm việc ở công ty nhiều và áp lực. Công việc bận rộn từng khiến cô nản và muốn bỏ học.

Dù vậy, xác định không thể không học, Xuân dần học cách sắp xếp thời gian.

“Bình thường, mình dành 2 buổi tối/tuần để học thêm. Lượng kiến thức tương đối nhiều. Mình tranh thủ làm bài tập sau khi kết thúc mỗi buổi học. Ban ngày, trên công ty, mình tận dụng giờ nghỉ trưa để làm nốt bài”, Xuân nói.

Ngay cả những hôm không có lịch học, cô vẫn cặm cụi học từ mới. Cô đặt ra mục tiêu mỗi ngày thuộc bao nhiêu từ vựng và luôn có sổ tay để ghi lại cấu trúc ngữ pháp quan trọng.

Bích Ngọc cũng thừa nhận quá trình học ngoại ngữ đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ khi cô còn phải làm việc với cường độ cao, khó tập trung hoàn toàn cho việc học.

Vì thế, Ngọc chia thời gian trong ngày để rèn luyện tiếng Anh. Thời gian nghỉ buổi trưa, cô tải bài giảng về nghe. Buổi tối, cô tranh thủ học ngữ pháp. Ngoài việc học trên lớp, cô làm quen với người nước ngoài để nâng cao vốn từ vựng cũng như khả năng giao tiếp.

Tiền và 6 lợi ích sinh viên nhận được khi làm thêm

Ngoài khoản thu nhập để trang trải chi tiêu, khi đi làm thêm, sinh viên còn học được cách quản lý chi tiêu, thời gian, có kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ cho tương lai.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm