Trong bối cảnh thị trường hàng xa xỉ toàn cầu sụt giảm 23% so với cùng kỳ, thị trường Trung Quốc vào năm 2020 lại tăng 48%, theo QQ. Tổng tiêu dùng đạt 346 tỷ nhân dân tệ (53,5 tỷ USD) khiến đất nước này càng được các thương hiệu cao cấp "để mắt" đến.
Gần đây, SKP - trung tâm mua sắm hàng xa xỉ và thời trang cao cấp lớn nhất Trung Quốc - dự báo đạt doanh thu khoảng 17,5 tỷ nhân dân tệ (2,71 tỷ USD) trong năm 2020, theo tờ Beijing Business Today. Số liệu này đã giúp SKP vượt qua Harrods và trở thành "vua cửa hàng" toàn cầu.
Qua những báo cáo này, Hurun - người đã nghiên cứu về giới thượng lưu ở Trung Quốc từ năm 1999 - tiết lộ những món hàng hiệu họ hay mua nhất.
Trung Quốc là nơi nhiều thương hiệu cao cấp muốn đầu tư. Ảnh: ksina. |
Túi xách
Mùa hè năm ngoái, bộ phim truyền hình 30 chưa phải là hết đề cập đến phần nào cuộc sống của những quý bà xoay quanh túi hiệu.
Trong khi những người phụ nữ khác đeo túi xách Hermès đắt đỏ, nhân vật Cố Giai chỉ đeo chiếc Chanel. Đáng chú ý, chiếc túi này cũng thuộc phiên bản giới hạn, có giá khoảng 140.000 USD.
Hermès hay Chanel là những thương hiệu được giới thượng lưu Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: mplife. |
Giống trong phim, cuộc khảo sát của Hurun cho thấy Chanel, Hermès và Louis Vuitton là các hãng túi giới thượng lưu được ưa chuông nhất tại đất nước tỷ dân. Với kiểu dáng bắt mắt và không ngừng đổi mới, Dior cũng đứng vững trong danh sách này.
Trang sức cao cấp
Hàn Tuyết - nữ diễn viên giàu có được giới giải trí công nhận - nổi tiếng là người sống giản dị. Cô có thể mặc một chiếc áo khoác trong 5-6 năm hay ít khi đổi điện thoại mới.
Hàn Tuyết thích sưu tập trang sức. Ảnh: weibo. |
Tuy nhiên, cô lại "hào phóng" với đồ trang sức. Trong một bộ phim truyền hình, nữ diễn viên đã đeo nhẫn kim cương màu vàng trị giá hơn 10 triệu nhân dân tệ (hơn 1,5 triệu USD) để đóng vai chính vào năm 2011.
Ngoài ra, người đẹp còn là khách hàng VIP của thương hiệu trang sức hàng đầu ở Mỹ - Harry Winston. Cô trở thành đại diện duy nhất trên thế giới đến dự dạ tiệc của hãng với chiếc nhẫn sapphire 19,7 carat, trị giá hơn 3 triệu USD.
Khi được hỏi về niềm đam mê của mình, cô nói: "Ngoài để đeo, trang sức cao cấp còn có thể tăng thêm giá trị hoặc dùng làm vật gia truyền".
Hàn Tuyết cho biết thêm cô không thích túi hiệu. Thay vì bỏ tiền cho 10 chiếc túi, cô thà tiết kiệm để mua một món trang sức.
"Suy nghĩ của nữ diễn viên họ Hàn có thể đại diện cho nhiều người giàu có. Túi xách chỉ là phụ kiện trong mắt các quý cô, còn trang sức mới là tình yêu đích thực của họ", biên tập viên QQ bình luận.
Qua đó, 5 thương hiệu hàng đầu được Hurun liệt kê là Bulgari, Cartier, Vanke Albemarle, Tiffany và Chanel. Bulgari đã trở thành thương hiệu trang sức phổ biến nhất dành cho những người giàu có trong 3 năm liên tiếp.
Đồng hồ
Món phụ kiện này được xem như vật quan trọng của người đàn ông thành đạt. Dù trong công việc hay những buổi tụ tập bạn bè hàng ngày, đồng hồ có tác dụng thể hiện địa vị của họ và làm tốt vai trò trang trí, nhắc nhở thời gian.
Patek Philippe mệnh danh là "ông hoàng của đồng hồ" và lọt vào top đầu danh sách thương hiệu được các quý ông Trung Quốc săn đón. Thiết kế sang trọng cùng tên tuổi lâu đời của hãng khiến Patek Philippe nổi bật giữa đám đông. Giữ vị trí kế tiếp là Vacheron Constantin và Jaeger-LeCoultre.
Đồng hồ giúp đấng mày râu thể hiện địa vị. Ảnh: QQ. |
Đây là năm thứ 14 liên tiếp Patek Philippe vững vàng ở "vị trí đồng hồ được ưa chuộng nhất".
Theo báo cáo của Hurun, trung bình hàng chục triệu người có tài sản cao sở hữu 2 ôtô và 3 đồng hồ. Những người có tài sản "siêu cao" lại có trung bình 4 ôtô và 5 đồng hồ.