Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, nói về xu hướng về quê học cách làm món kim chi của cư dân thành thị và người trẻ xứ Hàn.
Đầu tháng này, Ha Si-nae cùng gia đình từ nông thôn trở về thành phố với một xe tải chở đầy hàng hóa. Tất cả đều là kim chi do hai vợ chồng và các con cô tự tay chuẩn bị.
"Chỗ này đủ để gia đình 5 người chúng tôi ăn đến sang năm. Không gì khiến người Hàn an tâm bằng những hũ kim chi dự trữ trong nhà!", người phụ nữ tự hào nói.
Tại Hàn Quốc, kim chi là món ăn không thể thiếu trên bàn cơm của mọi nhà. Đối với người dân nước này, tháng 11 hàng năm được gọi là kimjang, tức "mùa làm kim chi".
Khi ấy, các gia đình Hàn Quốc thường chung tay muối hàng kí cải thảo, bảo quản trong những chum lớn và chôn xuống đất đợi lên men. Những chum kim chi tươi ngon sẽ sẵn sàng để thưởng thức khi xuân về.
Những chum lớn đầy ắp kim chi là hình ảnh quen thuộc tại Hàn Quốc mỗi mùa kimjang. Ảnh: Jun Michael Park. |
Vài năm gần đây, lối sống hiện đại với hằng hà sa số sản phẩm bán sẵn khiến phong tục này ít nhiều bị phai nhạt. Nhưng với những người như Ha Si-nae, kim chi tự tay làm vẫn là tốt nhất, an toàn nhất.
"Dù tiện lợi đến đâu chăng nữa, hương vị của các sản phẩm công nghiệp không thể nào thơm ngon bằng tự tay mình làm", cô khẳng định.
Tương tự bao người con xa quê ở Hàn Quốc, Ha Si-nae thường nhận được những hũ kim chi do mẹ cô chuẩn bị mỗi mùa kimjang. Gần đây, hai vợ chồng đang cố gắng thay bà làm món ăn truyền thống này dựa theo công thức học trên YouTube.
Tuy nhiên, mẻ kim chi của họ không mấy thành công.
Về quê học làm kim chi
Lo lắng về chất lượng sản phẩm bán sẵn nhưng không thể tự làm, gia đình Ha Si-nae quyết định tới Goesan - một huyện vùng núi nổi tiếng với 3 loại nông sản là ngô, cải thảo, ớt - để học làm kim chi vào năm ngoái.
Ở nơi này, bà Han Sook-hee (59 tuổi) vẫn duy trì thói quen muối cải thảo. Vào mùa kimjang, bà Han cùng những phụ nữ trong làng sẽ chuẩn bị kim chi gửi cho con cái trên thành phố và chia sẻ với xóm giềng.
4 năm trước, vài người dân nảy ra ý tưởng tổ chức lễ hội làm kim chi nhằm giúp người già trong làng kiếm thêm thu nhập trong mùa đông, đồng thời cũng để "giải cứu" món ăn truyền thống được làm bằng tay không bị thất thế bởi những gói kim chi bán ở siêu thị.
Năm ấy, lễ hội thành công rực rỡ.
"Chúng tôi cung cấp nguyên liệu, tất cả những gì người tham gia cần làm chỉ là trộn chúng lên. Chúng tôi cũng cố gắng tạo bầu không khí làm việc ấm áp, gắn kết với mọi người", bà Han chia sẻ.
Dưới ảnh hưởng của đại dịch, các gia đình Hàn Quốc tham gia "Lễ hội Kimjang" phải làm kim chi trong các túp lều riêng biệt, đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: Jun Michael Park. |
Sau thành công của lễ hội năm 2016, chính quyền huyện Goesan bắt đầu tổ chức "Lễ hội Kimjang" kéo dài 3 ngày vào mùa thu năm ngoái.
"Dịp này là cầu nối giữa các gia đình thành thị muốn học làm kim chi và những người nông dân ở làng", Thị trưởng Goesan Lee Cha-young cho biết.
"Lễ hội Kimjang" năm 2019 thu hút 80.000 người tham dự. Năm nay, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự kiện được tổ chức với quy mô nhỏ, đảm bảo quy định giãn cách xã hội.
Khi tham dự lễ hội, các gia đình sẽ tự mang theo hộp đựng để bảo quản thành phẩm của mình. Họ phải trả 134 USD cho 20 kg bắp cải đã rửa sạch và 7,4 kg nước sốt.
Người tham gia sẽ đứng xung quanh một chiếc bàn dài, đeo găng tay cao su đến khuỷu tay và bắt đầu trộn, ướp theo chỉ dẫn của dân làng. Ngoài ra, họ có thể thưởng thức thịt lợn hấp và rượu gạo miễn phí trong suốt buổi lễ.
Nhiều hoạt động thú vị được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội, xóa nhòa khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Ảnh: Jun Michael Park. |
Sau khi tham gia lần đầu vào năm ngoái, bà Shin Tae-sook trở lại lễ hội năm nay cùng gia đình mình. Bên cạnh những nguyên liệu do ban tổ chức chuẩn bị, bà còn thêm vào một thành phần đặc biệt - hàu sống.
"Bữa cơm Hàn Quốc sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu kim chi. Bạn có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon từ nó", bà nói.
"'Lễ hội Kimjang và kim chi khiến cộng đồng người Hàn thêm gắn kết", Kim Jeong-hee, Giám đốc Bảo tàng Ẩm thực Hàn Quốc Jinji, nhận xét.
Ngày nay, các gia đình không tiêu thụ kim chi nhiều như trước kia. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn ngoài, ăn đồ Tây của người Hàn hiện đại.
Ngoài ra, họ cũng thường mua hàng đóng gói sẵn ở cửa tiệm, trong đó 38% là sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Năm 2018, 4/10 hộ gia đình nước này cho biết họ chưa từng làm hay không biết cách chuẩn bị kim chi, theo số liệu của Viện Kim chi Thế giới.
Dẫu vậy, đây vẫn là món ăn không thể thiếu trong mọi bữa cơm, được coi là niềm tự hào của người dân Hàn Quốc.