Bất chấp mọi chuyện đã và đang xảy ra, người dân Hong Kong (Trung Quốc) vẫn không ngừng mua sắm hàng hiệu, theo SCMP.
Báo cáo từ công ty tư vấn Agility Research and Strategy cho thấy doanh số bán hàng xa xỉ ở Hong Kong tăng 114% lên 3,3 tỷ HKD (424 triệu USD) vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, dù 63% người được khảo sát nói “rất lo ngại” về tình hình kinh tế ngày càng xấu đi của thành phố.
Mối quan tâm đến các thương hiệu cao cấp địa phương cũng tăng lên với 1/3 người được hỏi đã mua hàng hiệu có xuất xứ Hong Kong trong 6 tháng qua.
Doanh số bán hàng xa xỉ của Hong Kong tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù nhiều người tỏ ra lo ngại về nền kinh tế địa phương. Ảnh: Bloomberg. |
Amrita Banta, giám đốc điều hành của Agility Research and Strategy, nhận định xu hướng này có liên quan đến tình trạng đóng cửa trong 2 năm qua.
“Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch Trung Quốc suy giảm. Tôi nghĩ điều đó khiến người Hong Kong nhận ra rằng họ không thể chỉ phụ thuộc vào du khách lục địa và quốc tế về GDP”, bà nói.
Banta nói thêm rằng việc không thể đi du lịch đã chuyển hướng chi tiêu từ nước ngoài sang nội địa. Người tiêu dùng đang đánh giá các sản phẩm và thương hiệu sản xuất tại Hong Kong theo cách nhìn mới.
Cùng với đó là sự nổi lên của ban nhạc Hong Kong Mirror khi được người dân thành phố mến mộ và thu hút sự chú ý từ các thương hiệu xa xỉ. Các thành viên của nhóm từng làm việc với các hãng đình đám như Burberry, Cartier, Louis Vuitton và Fendi.
Khách xếp hàng bên ngoài cửa hàng Gucci tại Harbour City vào tháng 2. Ảnh: Nora Tam/SCMP. |
Nền kinh tế Hong Kong dần phục hồi trong quý đầu tiên của năm 2021 với mức tăng GDP 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 6 quý.
Báo cáo của Agility cho thấy doanh số bán lẻ tổng thể trong tháng 2 tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa bằng một nửa doanh số trung bình khoảng 7 tỷ HKD/tháng trong năm 2018.
Xu hướng tiêu dùng cũng chuyển sang trực tuyến. 65% người được khảo sát đã mua hàng hiệu online trong 6 tháng qua, dù tỷ lệ tương tự thích mua tại cửa hàng để trải nghiệm.
Banta hy vọng xu hướng này tiếp tục bởi việc mua hàng trực tuyến làm giảm bớt những lo lắng về vệ sinh và nỗi sợ lây nhiễm SARS-CoV-2. Bà lưu ý rằng người tiêu dùng đã quen với mô hình chi tiêu này, dù vẫn giữ sở thích mua sắm trực tiếp.
Một cửa hàng Hermès ở Tsim Sha Tsui. Một số hoạt động mua sắm đã chuyển sang trực tuyến trong 1,5 năm qua. Ảnh: Bloomberg. |
Hy vọng về du lịch quốc tế cũng mạnh mẽ. Hơn một nửa số người được khảo sát đã lên kế hoạch nghỉ dưỡng trong 6 tháng tới. Một nửa có dự định đi du lịch xa hơn. Nhật Bản là điểm đến được người tiêu dùng giàu có quan tâm nhất.
Đối với những người chọn ở lại Hong Kong, lý do chủ yếu được đưa ra là sợ Covid-19.
Người tiêu dùng Hong Kong cũng có ý thức hơn về môi trường. 70% người được hỏi nói rằng họ quan tâm đến đạo đức và tính bền vững trong các thương hiệu mua sắm. 83% sẽ chọn thương hiệu có giá cao hơn nếu thân thiện với môi trường và bền vững.
Điều đáng chú ý là người tiêu dùng đã mở rộng quan điểm về sự sang trọng sang các giá trị như sức khỏe, tự do và hưởng thụ, bên cạnh các sản phẩm chất lượng và cao cấp.