Chị Q. (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cùng gia đình phải đi cách ly tập trung vì tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19. Do tính chất công việc không thể làm trực tuyến, chị thắc mắc mình có bị trừ lương trong giai đoạn 21 ngày cách ly tập trung không?
Một gia đình phải đi cách ly vì là F1 của bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Luật sư Hà Kim Tâm (Giám đốc Công ty Luật Onekey) đánh giá cần xem xét yếu tố chủ quan, khách quan và nguyên nhân dẫn tới việc gia đình chị Q. phải đi cách ly tập trung. Từ đó, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thống nhất phương án trả lương trong tình huống này.
Theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, nếu việc chị Q. phải cách ly tập trung được xác định hoàn toàn do lỗi chủ quan của công ty, chị sẽ được hưởng lương như bình thường trong 21 ngày cách ly.
Nếu chị Q. phải cách ly do lỗi cá nhân hoặc lỗi của người thân trong gia đình, chị sẽ không được nhận lương. Những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc vì chị Q. sẽ được trả lương theo thỏa thuận với công ty nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Mức thỏa thuận được tính cụ thể như sau:
Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày trở xuống, tiền lương ngừng việc trong những ngày này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu ở vùng I (nơi chị Q. làm việc) là 4,42 triệu đồng.
Trường hợp ngừng việc trên 14 ngày, tiền lương ngừng việc trong những ngày này phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu tiên.