Lên lớp 6, con trai của chị Tô Thị Quỳnh Giao không làm được bài tập, thậm chí không đọc thông viết thạo. Nhà trường phải trả em về học lại lớp 1.
Quyết định này khiến gia đình chị Giao hoang mang. Gạt những giọt nước mắt thương con, người mẹ đã cầu cứu nhiều cơ quan ở Sóc Trăng. Cuối cùng, Trường tiểu học Lý Đạo Thành, nơi con chị từng học, đồng ý cho cậu bé học lại lớp 5.
Trường tiểu học Lý Đạo Thành ở TP Sóc Trăng. Ảnh:Cao Xuân.
|
Bệnh thành tích giết chết tương lai
Trước thông tin nam sinh lớp 6 không biết đọc, viết vẫn lên lớp đều, nhiều bạn đọc cảm thấy lo lắng và bức xúc. Họ cho rằng lỗi đầu tiên nằm ở nhà trường và căn bệnh thành tích trong giáo dục.
Bạn Minh Trúc bình luận nhiều nơi cứ để học sinh lên lớp để báo cáo trường không có học sinh yếu, kém. Cuối cùng, khổ nhất vẫn là học sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Theo bạn Đỗ Hữu Phước, con học lớp 6 mà không viết được tên, bố mẹ lại đổ hết cho nhà trường. Nhiều phụ huynh nghèo khó, không có điều kiện đi học vẫn nuôi con đại học. "Người mẹ giao hết việc dạy con cho trường, về nhà không đốc thúc con học hành thì sao đổ hết lỗi cho giáo viên được”.
Người này cũng cho rằng chị Giao không biết chữ có thể không kèm cặp, hướng dẫn con học, nhưng vẫn nên dành thời gian xem xét việc học của con.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại thông cảm với người mẹ. Ngoài ra, năm con trai học lớp 4, thấy cháu học quá yếu, gia đình đã xin cho con học lại nhưng trường vẫn để nam sinh lên lớp 5. Cuối lớp 5, nữ phụ huynh một lần nữa đề nghị cho con trai ở lại lớp nhưng thầy chủ nhiệm bảo "cháu học được".
Độc giả Nguyễn Văn Lập khẳng định trường hợp nam sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 là lỗi của nhà trường nên trường cần có trách nhiệm. Anh bức xúc: “Nếu cháu nghỉ học thì xem như trường đã giết chết tương lai một đứa trẻ vì bệnh thành tích và hình ảnh của trường”.
Ủng hộ cho học lại
Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành - thừa nhận việc nam sinh lớp 6 không biết đọc, viết là sơ suất của trường và đã khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử một giáo viên kèm riêng nam sinh, bắt đầu từ chương trình lớp 1. Tuy nhiên, học sinh này học được vài ngày thì không thấy đến trường nữa.
Phụ huynh Tô Thị Quỳnh Giao xác nhận thông tin trên và cho biết con chị không muốn tiếp tục học vì mặc cảm. Sau khi cầu cứu các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng, con chị được đồng ý cho học lại từ lớp 5. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy giải pháp này chưa thỏa đáng.
“Trường cho học sinh lên lớp, dù không biết chữ. Gia đình thì sợ con mặc cảm nên không muốn học lại lớp 1. Cháu bé không đọc và viết thành thạo thì sao học lớp 5 được, mất gốc hết rồi. Nhà trường bắt học lại lớp 1 là đúng”, bạn Hoàng Anh Tín bình luận.
Theo anh, trong vụ việc này, cả nhà trường và gia đình đều có lỗi. Gia đình nên chấp nhận sự thật con mình không đủ năng lực và động viên cháu học lại từ đầu.
Nhiều người lo ngại cháu bé chưa biết đọc, viết thì không đủ trình độ để học lớp 5. Họ khẳng định việc để nam sinh học lại từ lớp 1 là cần thiết.
Một số người đề xuất trường miễn các khoản phí cho cậu bé, trong khi một số ý kiến khác đề nghị cho em học lớp 5, nhà trường cử người dạy kèm trong khoảng một năm để em theo kịp chương trình.
“Cháu có thể tạm nghỉ một năm để giáo viên phụ đạo hai môn Toán và tiếng Việt. Tôi nghĩ chỉ cần một năm như thế, cháu sẽ theo kịp các bạn lớp 5”, bạn Đào Dũng nêu quan điểm.
Nhiều độc giả cho rằng việc học lại từ lớp 1 hay lớp 5 không quan trọng, điều cốt yếu là bản thân nam sinh phải thực sự cố gắng.
“Tôi khuyên em đừng vì mặc cảm, sợ người khác bàn tán mà đánh mất mình. Em phải biết cố gắng và lo nghĩ cho mai sau. Nếu nỗ lực, ngày em đủ kiến thức để học lớp đúng độ tuổi của mình sẽ không còn xa...”, Lương Lê bình luận.
Nhiều trường hợp tương tự
Theo Thanh Niên, Trường tiểu học Lê Hồng Phong, phường 3, TP Sóc Trăng cũng có lớp 3 có đến 8 học sinh không biết đọc. Cô Trần Thị Thúy Y., chủ nhiệm lớp 3/2 cho biết: “Lớp có tổng số 42 em, thì có đến 8 học sinh không biết đọc, viết chưa rành và trên 10 HS đọc còn phải đánh vần từng chữ”.
N.T.P, một trong 8 học sinh không biết đọc chữ của lớp 3/2, khi cầm quyển sách tiếng Việt lớp 3 có cả một đoạn nhưng chỉ đánh vần được 3 chữ.
Khi cô giáo đọc từng chữ cho viết, trong một câu, P. không viết chữ nào đúng chính tả. Trong khi đó, theo quy định, học sinh lớp 3 phải đọc tối thiểu 70 tiếng/phút nhưng các em này chỉ đánh vần được vài chữ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết ông đã ký văn bản gửi sở GD&ĐT để yêu cầu kiểm tra, rà soát những trường hợp học sinh yếu kém vẫn được các trường cho lên lớp.
Sau khi ngành giáo dục rà soát tất cả các trường hợp, tỉnh sẽ có ý kiến xử lý vụ việc đến nơi đến chốn.